Lịch sử

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÂN KHẤU – ĐIỆN ẢNH HÀ NỘI

Địa vị pháp lý

Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thành lập theo Quyết định số 372/CP ngày 17 tháng 12 năm 1980 của Thủ tướng chính phủ, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo Quyết định số 538/QĐ-BVHTTDL ngày 06 tháng 3 năm 2014 của Bộ Trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hoạt động theo quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội là đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng.

Tên, trụ sở

Tên tiếng Việt: Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội

Tên giao dịch quốc tế: Hanoi Academy of Theatre and Cinema

Điện thoại: +84.4.37643397

Fax: 84.4.3834.8732  –  84.4.3764.3397

Email: skda@fpt.vn; skd@moet.edu.vn

Website: www.skda.edu.vn

Địa chỉ: Khu Văn hóa nghệ thuật, Phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TRƯỜNG

Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; quản lý về giáo dục, đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời chịu sự quản lý theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

(Theo Quyết định số 538/QĐ – BVHTTDL ngày 06 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du Lịch)

Vị trí và chức năng

Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh và truyền hình ở bậc đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kĩ thuật và sau đại học; nghiên cứu và thực nghiệm khoa học trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, truyền hình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của trường và góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội (sau đây gọi tắt là Trường) có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; trụ sở tại thành phố Hà Nội.

Nhiệm vụ và quyền hạn

Trình Bộ trưởng đề án xây dựng và phát triển Trường, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu khoa học dài hạn, hàng năm và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực các ngành học: nghệ thuật, kinh tế, kĩ thuật thuộc lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh và truyền hình ở bậc đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kĩ thuật theo phương thức giáo dục chính quy, không chính quy và sau đại học; tổ chức đào tạo văn bằng hai, bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo nguồn theo chỉ tiêu phân bổ của Nhà nước và nhu cầu của xã hội.

Xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy và học tập cho các ngành đào tạo của Trường trên cơ sở chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; tổ chức biên soạn, duyệt và phát hành giáo trình, đề cương bài giảng, tài liệu tham khảo và các ấn phẩm khác phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường theo quy định của pháp luật.

Xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo chỉ tiêu được phê duyệt; tổ chức đào tạo, thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật.

Tiến hành nghiên cứu khoa học; triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn hoạt động của Trường; gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Tổ chức các hoạt động dịch vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định của pháp luật.

Xây dựng trang điện tử (website) riêng, quản lý và cung cấp nguồn thông tin khoa học của Trường, tham gia vào hệ thống thông tin chung của các trường cao đẳng, đại học, các Bộ, ngành có liên quan.

Hợp tác, liên kết với các trường, các cơ sở đào tạo, các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Trường theo quy định của pháp luật.

Xây dựng quy hoạch đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, giáo viên, giảng viên của Trường. Phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong đội ngũ giáo viên, giảng viên và người học.

Cải tiến công tác quản lý, hoàn thiện bộ máy tổ chức của Trường theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả; thực hiện các nội dung cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch công tác của Bộ.

Tự đánh giá chất lượng đào tạo và chịu sự kiểm định chất lượng đào tạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc của Trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý tổ chức bộ máy, nhân sự; thực hiện các chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động và người học thuộc phạm vi quản lý của Trường theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ.

Quản lý, sử dụng nhà đất, tài chính, tài sản, ngân sách được phân bổ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Thực hiện các nhiệm vụ khác theo Điều lệ trường đại học và được Bộ trưởng giao.

 

LỊCH SỬ

Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội được thành lập ngày 17/12/1980, theo Quyết định số 372/CP của Hội đồng Chính phủ, trên cơ sở sát nhập các ngành thuộc khối nghệ thuật của Trường Điện ảnh Việt Nam và Trường Sân khấu Việt Nam. Năm 1995, trường tiếp nhận thêm hai cơ sở của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) là Viện Sân khấu Việt Nam và Trường Trung cấp Điện ảnh Việt Nam, hình thành hai đơn vị mới là Viện Sân khấu Điện ảnh và Khoa Kinh tế Kỹ thuật Điện ảnh.

Từ năm 1980, bên cạnh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính do Nhà nước quy định là đào tạo bậc học đại học cho các ngành nghệ thuật sân khấu và điện ảnh, trường còn thực hiện đào tạo các bậc học cao đẳng, trung cấp cho các ngành nghệ thuật biểu diễn, nghe nhìn và cũng như các ngành kỹ thuật, kinh tế khác trong lĩnh vực nghệ thuật. Trường cũng thực hiện đào tạo theo đặt hàng và đề nghị của các đơn vị nghệ thuật, các đài phát thanh và truyền hình trong cả nước. Từ năm 2000, Trước đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ các ngành: Nghệ thuật sân khấu và Nghệ thuật điện ảnh – truyền hình. Năm 2012, Trường tiếp tục được tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ hai ngành: Lý luận và lịch sử sân khấu; Lý luận, lịch sử và phê bình điện ảnh – truyền hình.

Với truyền thống cùng kinh nghiệm tích lũy được trong nhiều năm đào tạo các bậc học bằng những loại hình khác nhau, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội là nơi đào tạo ra những người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, lý luận, phê bình nghệ thuật, những người làm kỹ thuật, kinh tế, công nghệ trong các ngành nghệ thuật sân khấu và điện ảnh cũng như truyền hình. Trong đó, có nhiều người được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.

Trong những năm gần đây, trường nỗ lực cải tiến hệ thống giáo trình, phương pháp giảng dạy cùng các cơ sở vật chất, kỹ thuật khác nhằm nâng cao chất lượng cũng như mở rộng và đa dạng hoá các loại hình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, trường tiếp tục đổi mới công tác quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, rà soát điều chỉnh hệ thống khung chương trình, giáo trình đào tạo một số chuyên ngành theo đúng qui chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng với việc giảng dạy của các nhà chuyên môn đầu ngành, các giảng viên được đào tạo chính quy, bài bản, trường đã quan hệ với các tổ chức, trường đại học cùng chuyên ngành ở nước ngoài để mời các chuyên gia có uy tín tham gia giảng dạy cho sinh viên của trường. Trường đã thiết lập được mối liên kết đào tạo với các trường nghệ thuật của các nước tiên tiến trên thế giới như: Trường Nghệ thuật Sân khấu Maxtcơva; Học viện Nghệ thuật Sân khấu Saint – Petersburg; Trường nghệ thuật Sân khấu Quốc gia Hàn Quốc; Học viện Kịch nghệ Trung ương Trung Quốc; Viện Kịch nghệ Quốc gia Australia (NIDA); Viện Kịch nghệ Quốc gia Nauy; Học viện nghệ thuật và truyền thông Dong – A Hàn Quốc…

Trước xu thế hội nhập quốc tế, nhà trường đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hợp tác quốc tế để từ đó học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo với các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời tranh thủ cơ hội giới thiệu với đồng nghiệp và bạn bè quốc tế những nét độc đáo của nền văn hoá Việt Nam, đó cũng là một trong những hoạt động nhằm đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.