Khoa Nghệ thuật Điện ảnh

 

GIẢNG VIÊN KHOA NGHỆ THUẬT ĐIỆN ẢNH

 

I – ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ

– Địa chỉ

: Tầng 5, Nhà A2, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội

 

  Khu Văn hóa nghệ thuật, P. Mai Dịch, Q. Cầu Giấy, TP. hà nội

– Điện thoại

: 04.3764.8442

– Thư điện tử

: ntda@skda.edu.vn

                      

II – DANH SÁCH GIẢNG VIÊN CƠ HỮU CỦA KHOA NGHỆ THUẬT ĐIỆN ẢNH

TT Họ và tên Bằng cấp chuyên môn Chức vụ, chức danh
1 Trần Quang Minh TS. Lý luận và Lịch sử Điện ảnh-Truyền hình Trưởng khoa, Giảng viên chính
2 Đặng Thu Hà TS. Lý luận và Lịch sử Điện ảnh-Truyền hình Phó trưởng khoa, Giảng viên
3 Trịnh Ngọc Sơn Th.s NT Điện ảnh – Truyền hình Phó trưởng khoa, Giảng viên
4 Lý Thái Dũng NSND, Cử nhân Quay phim điện ảnh Giảng viên
5 Nguyễn Hồng Quân Th.s nghệ thuật (Đạo diễn phim tài liệu) Giảng viên
6 Phan Thuý Diệu Th.s NT Điện ảnh – Truyền hình Giảng viên
Trần Diệu Hiền Th.s LL và PP dạy học âm nhạc Giảng viên
8 Trương Quế Chi Th.s nghiên cứu ĐA và nghe nhìn Giảng viên
9 nguyễn quốc phương Th.s NT Điện ảnh – Truyền hình Giảng viên
10 Chu Tiến Dũng Th.s NT Điện ảnh – Truyền hình Giảng viên
11 Lê Minh Đức Th.s nghệ thuật biên kịch Giảng viên
12 Bùi Kim Quy Cử nhân Biên kịch Điện ảnh Giảng viên
13 Nguyễn Thị Huyền Trang Th.s NT Điện ảnh – Truyền hình Giảng viên
14 Nguyễn Thị Hạnh Lê PGS. TS Nghệ thuật học Giảng viên cao cấp

III – CÁC NGÀNH / CHUYÊN NGÀNH ĐẠO TẠO

  1. Đại học: 4 chuyên ngành

1. Chuyên ngành Đạo diễn điện ảnh (trong mã ngành Đạo diễn điện ảnh – truyền hình)

đại học

2. Chuyên ngành Quay phim điện ảnh (trong mã ngành Quay phim)

đại học

3. Chuyên ngành Biên kịch điện ảnh (trong mã ngành Biên kịch điện ảnh – truyền hình)

đại học

4. Ngành Lý luận, lịch sử và phê bình Điện ảnh – Truyền hình

đại học

 2. Thạc sỹ: 1 Chuyên ngành: Nghệ thuật Điện ảnh Truyền hình

3. Tiến sỹ: 1 chuyên ngành: Lý luận – Lịch sử và Phê bình Điện ảnh truyền hình

 

IV – GIỚI THIỆU CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA KHOA NGHỆ THUẬT ĐIỆN ẢNH

1. GIỚI THIỆU

Khoa Nghệ thuật điện ảnh được thành lập vào ngày 17/12/1980. Từ đó cho đến nay, Khoa Nghệ thuật Điện ảnh đã, đang và sẽ là một trong những trụ cột, thước đo cho sự hưng thịnh của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

Những ngày đầu thành lập, Khoa chỉ đào tạo các lớp chuyên ngành Quay phim (do NSND, Nhà quay phim Trần Thế Dân chủ nhiệm), chuyên ngành Đạo diễn và Lý luận phê bình điện ảnh (do NGND, Đạo diễn Lê Đăng Thực chủ nhiệm). Đến năm 1982, chuyên ngành Biên kịch mới được thành lập do cố vấn PGS. Nhà biên kịch Bành Bảo và cố PGS.TS, Nhà biên kịch Bành Châu chủ trì. NGƯT, ​​Nhà lý luận phê bình điện ảnh Vũ Quang Chính và cố Nhà lý luận phê bình điện ảnh Hoàng Thanh chủ nhiệm chuyên ngành Lý luận phê bình điện ảnh. Cho đến năm 1988, bốn chuyên ngành Đạo diễn, Quay phim, Biên kịch và Lý luận điện ảnh đã nằm trong mái nhà chung – Khoa Nghệ thuật điện ảnh do NGND, Đạo diễn Lê Đăng Thực là Trưởng khoa và ThS. Lê Cẩm Lượng làm Phó trưởng khoa. Từ năm 1999, chức vụ Trưởng khoa là Đạo diễn Lò Văn Minh; ThS, Nhà lý luận phê bình điện ảnh Nguyễn Danh Dương và nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn; Nhà quay phim, NSƯT Hoàng Tấn Phát; ThS Nguyễn Quỳnh Trang và Nhà quay phim, NSND Trần Quốc Dũng, Nhà quay phim NSND Lý Thái Dũng, Thạc sĩ Phan Thúy Diệu. Hiện nay, Tiến sĩ Trần Quang Minh đảm nhiệm vị trí trưởng khoa, Tiến sĩ Đặng Thu Hà và thạc sĩ Trịnh Ngọc Sơn đảm nhiệm vị trí phó trưởng khoa.

Thế hệ cán bộ, giảng viên đầu tiên của khoa là các thế hệ nghệ sĩ danh tiếng trong làng điện ảnh Việt Nam như NSND, Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi; cố NSND, Đạo diễn Trần Đắc; NGND, Đạo diễn Lê Đăng Thực; cố NSƯT, Nhà quay phim Trần Trung Nhàn; NSND, Nhà quay phim Trần Thế Dân; PGS.TS Nguyễn Mạnh Lân; các Nhà lý luận phê bình điện ảnh như NGƯT Vũ Quang Chính, cố TS Phạm Ngọc Chương, PGS.TS Trần Luân Kim, Nguyễn Thị Lợi, Lê Chân và các nhà biên kịch: cố PGS Bành Bảo, cố PGS.TS Bành Châu; Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi; NGND, Nhà lý luận phê bình Vũ Quang Chính; Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc; Nhà biên kịch Bành Mai Phương; … Đến nay, có nhiều nghệ sĩ – những cây đa cây đề của ngành điện ảnh đã yên nghỉ, nhưng nhiệt huyết và kiến thức nghề nghiệp của các thầy vẫn tồn tại và được nuôi dưỡng, nhân lên trong thế hệ các nhà điện ảnh kế cận.

Khoa Nghệ thuật điện ảnh vẫn luôn nhận được sự cộng tác với các thế hệ nghệ sĩ lão thành như NSND, đạo diễn Nguyễn Khải Hưng; NSND Trần Quốc Dũng, NSND Phạm Thanh Hà, NSND Lý Thái Dũng, NSND Phạm Nhuệ Giang; NSƯT, Nhà quay phim Hoàng Tấn Phát; GS.TS, Nhà biên kịch Trần Thanh Hiệp; PGS.TS, Nhà lý luận phê bình Vũ Ngọc Thanh cùng với các thế hệ nghệ sĩ nối tiếp như: NSƯT, Đạo diễn Đào Duy Phúc; NSƯT, Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng; Nhà quay phim, NSƯT Trịnh Quang Tùng; Nhà biên kịch, Thạc sĩ Phạm Thanh Hà; NSƯT Đặng Thái Huyền;… Tên tuổi và những đóng góp của thế hệ các nghệ sĩ – giảng viên đối với sự nghiệp điện ảnh Việt Nam gắn liền với sự nghiệp đào tạo điện ảnh của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

Khoa có 2 mảng đào tạo: Đại học chính quy và Sau đại học

Đào tạo đại học chính quy: với 04 chuyên ngành: Quay phim điện ảnh, Đạo diễn điện ảnh, Biên kịch điện ảnh, Lịch sử- Lý luận và phê bình điện ảnh – truyền hình, thước đo kết quả học tập của sinh viên chính là những thước phim ngắn độc đáo, những kịch bản hay, những bài tiểu luận nghiên cứu phim và lịch sử điện ảnh sâu sắc. Các sinh viên được thể hiện khả năng sáng tạo của mình dưới sự gợi ý, chỉ bảo tận tình của giảng viên – những nghệ sĩ có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp. Bằng phương pháp học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, sinh viên thường xuyên được xem phim, viết kịch bản và thực hành tại trường quay để tạo dựng nên những bộ phim mang nhiều sắc thái, vừa có tính thể nghiệm, vừa mang đậm dấu ấn của sự hồn nhiên, tinh tế và lãng mạn của thế hệ điện ảnh trẻ.

Đào tạo sau đại học:

Trình độ Thạc sĩ: chuyên ngành Lý luận – Lịch sử và Phê bình Điện ảnh truyền hình.

Trình độ Tiến sĩ: chuyên ngành Lý luận – Lịch sử và Phê bình Điện ảnh truyền hình.

Ngoài các lớp chuyên ngành trên, khoa còn có lớp Đạo diễn và quay phim tài năng dành cho những sinh viên có thành tích học tập vượt trội.

Mỗi năm, Khoa Nghệ thuật điện ảnh đào tạo được trung bình 60 sinh viên của bốn chuyên ngành đào tạo chính quy và 20 học viên Sau đại học. Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên, học viên hầu hết được các hãng phim, các đài truyền hình, các công ty truyền thông đa phương tiện, các tạp chí, các viện nghiên cứu trên toàn quốc tuyển dụng. Nhiều sinh viên đã làm mang lại vinh dự cho trường bằng những giải thưởng trong nước và quốc tế. Nổi bật trong giai đoạn trước đây, là tác phẩm “Cuốc xe đêm” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, quay phim Lý Thái Dũng, đã đạt giải ba chương trình Cinéfondation dành cho phim ngắn sinh viên thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Cannes 2000.

Nhiều tác phẩm phim ngắn, dự án phim và kịch bản của sinh viên thực hiện trong thời gian học tập đã được lựa chọn tham dự, giới thiệu trong nhiều sự kiện điện ảnh, liên hoan phim trong và ngoài nước.

Nhiều cựu sinh viên, nghiên cứu sinh hiện công tác tại các hãng phim, các đài truyền hình và giữ các vị trí quản lý quan trọng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Nhiều sinh viên của khoa đã giành được những giải thưởng lớn trong các kỳ liên hoan phim Cánh Diều, Bông Sen và nhiều cuộc thi làm phim khác trong nước như:

– Liên hoan Phim ngắn toàn quốc năm 2004: Bùi Kim Quy (Giải Nhất);

– Liên hoan Phim ngắn toàn quốc năm 2005: Phạm Chi Mai (Giải Nhất); Nguyễn Mạnh Hà (Giải Nhì); Nguyễn Hoàng Điệp và Trần Hoàng Linh (Giải Ba);

– Giải Cánh Diều năm 2010: Thiều Hà Quang Nghĩa và Phan Huyền My (Cánh Diều Bạc hạng mục phim ngắn);

– Giải Cánh Diều năm 2012: Đặng Việt Đức (Cánh Diều Vàng hạng mục phim ngắn); Nguyễn Hồng Quân (Cánh Diều Bạc hạng mục phim ngắn); Đỗ Quốc Trung, Phùng Văn Định (Bằng khen của Ban Giám khảo)

– Giải Cánh Diều năm 2013: Trang Công Minh (Quay phim xuất sắc nhất hạng mục phim truyện điện ảnh); Lê Hiếu (Cánh Diều Bạc hạng mục phim ngắn);

  • Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 (Giải Bông Sen): Đinh Tuấn Vũ (Giải thưởng Ban Giám khảo);
  • Liên hoan phim ngắn FYFilm Fest 2017 của khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Tp Hồ Chí Minh: Đào Thu Uyên (Giải nhất) và Cao Việt Hoài Sơn (Giải đặc biệt của Ban giám khảo)
  • Giải nhất Cánh diều vàng 2021 cho hạng mục phim ngắn, tham gia hạng mục tranh giải phim ngắn quốc tế trong LHP Quốc tế Singapore 2021: Trần Thị Hà Trang
  • Giải nhất phim ngắn Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI 2022 và Giải nhất Cuộc thi phim ngắn “Việt Nam của tôi” của Quỹ Vẻ đẹp – Điện ảnh Kinh tế Sáng Tạo Việt Nam: Nguyễn Phạm Thành Đạt
  • Giải ba Cuộc thi phim ngắn “Màn ảnh xanh” 2022 của Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam và Tập đoàn Netflix: Nguyễn Thị Minh Khuê
  • Liên hoan phim Cánh Diều Vàng lần thứ 20 năm 2023: Đào Linh Chi (giải Cánh diều bạc Hạng mục Phim ngắn)

Với sự đổi mới trong lĩnh vực đào tạo, nhà trường đã kết hợp mời các chuyên gia điện ảnh từ các nước Nga, Thụy Điển, Nauy, Pháp, Đức, Bỉ, Ixraen; Úc… tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn để sinh viên được tiếp cận với các phương pháp, phong cách làm phim mới. Không chỉ được học tập trong nước, những sinh viên giỏi còn được học bổng dự các khóa học đạo diễn, dựng phim, sản xuất phim tại Nga, Hàn Quốc, Thụy Điển.

Theo các kỳ thường niên, Khoa Nghệ thuật điện ảnh tổ chức các liên hoan phim ngắn với những qui mô khác nhau như Liên hoan phim Ong Vàng, Liên hoan phim ngắn, hay cuộc thi Tài năng sinh viên. Đây là hoạt động để tạo ra một sân chơi mang tính nghề nghiệp, nhằm tìm tòi và tôn vinh những sáng tạo của các nghệ sĩ tương lai đang ngồi trên giảng đường đại học. Những phim được Ban Giám khảo đánh giá cao được lưu giữ làm tư liệu cho các lớp nghiên cứu, tham khảo, học tập.

Khoa Nghệ thuật điện ảnh đang được tiếp thêm sức mạnh với thế hệ giảng viên trẻ – chính là những sinh viên xuất sắc của Khoa được giữ lại trường hoặc đã từng có thời gian công tác tại các đơn vị sản xuất như, TS. Nhà biên kịch Đặng Thu Hà; ThS Phan Thúy Diệu; Nhà biên kịch Bùi Kim Quy;  ThS Lê Minh Đức; ThS Trần Diệu Hiền; ThS Nguyễn Hồng Quân; ThS Nguyễn Thị Huyền Trang; ThS Trương Quế Chi; ThS Nguyễn Quốc Phương; ThS Chu Tiến Dũng; ThS Trịnh Ngọc Sơn… để đội ngũ giảng viên của khoa luôn vững vàng, đầy nhiệt huyết, là niềm tin cho sự tồn tại vững bền của Khoa Nghệ thuật điện ảnh.

Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, các giảng viên của khoa Nghệ thuật Điện ảnh còn tích cực hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và đạt được nhiều giải thưởng như:

  • NSND, Nhà quay phim Lý Thái Dũng: Giải quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 (2001) với “Thung lũng hoang vắng”, lần thứ 14 (2004) với “Hàng xóm”, lần thứ 15 (2007) với “Vũ điệu tử thần”, lần thứ 16 (2009) với “Chơi vơi”.

Giải quay phim xuất sắc tại các kỳ Giải Cánh diều: 2009 với “Chơi vơi”, 2014 với “Sống cùng lịch sử” & “Thầu chín ở Xiêm”, 2017 với “Đảo của dân ngụ cư”

Giải Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Asean AIFFA Award 2017

  • NBK Bùi Kim Quy: Giải nhất Liên hoan Phim ngắn toàn quốc năm 2003 với “Cái đệm”; giải Biên kịch xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 (2017) với “Cha cõng con”

Phim truyện đầu tay, “Người truyền giống” trình chiếu ở nhiều liên hoan phim quốc tế như LHP Busan 2014, LHP Rotterdam 2015, LHP Locarno 2021.

Phim truyện thứ hai, “Miền ký ức” tham gia tranh giải Liên hoan phim Busan 2021, trình chiếu tại Liên hoan phim Berlin Forum 2022, Liên hoan phim quốc tế phim phi hư cấu Doc Fortnight 2022 của Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại MoMa etc. Miền Ký Ức đạt giải phim xuất sắc nhất Golden Lady Harimaguada của Liên hoan phim quốc tế Las Palmas de Gran Canaria, Tây Ban Nha (2022).

  • TS- NBK Đặng Thu Hà: Giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020 của Cục Điện ảnh, Bằng khen- giải Cánh diều 2021
  • ThS, NBK Phan Thúy Diệu: Giải Ba “Cuộc thi viết tiểu phẩm tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, các quy định của luật phòng, chống tác hại thuốc lá.” – Bộ văn hoá, thể thao và du lịch tổ chức (2022); Giải B “Cuộc vận động sáng tác kịch bản sân khấu phục vụ thiếu niên, nhi đồng năm 2023” – Hội nghệ sĩ Sân khấu (2024)

Ngoài ra, các giảng viên của khoa cũng hoạt động tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học, thực hành chuyên môn như:

  • Ts Trần Quang Minh: Giải Cánh Diều Bạc 2019 Hạng mục Công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh cho Giáo trình “Thiết kế mỹ thuật phim truyện điện ảnh”, NXB Mỹ thuật
  • TS Đặng Thu Hà: Đồng tác giả của sách “Xây dựng cấu trúc và cách kể chuyện trong kịch bản phim truyện”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội (2023); đồng tác giả Giáo trình “Biên kịch điện ảnh, Phần 1: Xây dựng cấu trúc phim truyện” và “Biên kịch điện ảnh, Phần 2: Cách kể chuyện”; tham gia tham luận tại nhiều hội thảo như hội thảo quốc tế “Chấn thương, khủng hoảng và chữa lành trong văn học-nghệ thuật Việt Nam” của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh (2024), hội thảo quốc tế “Từ lịch sử của cái KHÁC: Nữ giới và các tác giả nữ trong văn học và điện ảnh Việt Nam” của Trường Đại học Thái Bình Dương (2023), hội thảo khoa học “Quản lý phát hành phim, phổ biến phim tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” của Cục Điện ảnh (2023).
  • ThS. Lê Minh Đức: Thành viên Ban biên tập của Tạp chí Nghiên cứu Sân khấu Điện ảnh của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội; dịch giả của nhiều tiểu luận, nghiên cứu liên quan tới sân khấu điện ảnh và của hơn 30 đầu sách văn học đa thể loại từ các tác giả Douglas Adams, Ursula K. Le Guin, Neil Gailman, Norton Juster, Lucy Hawking & Stephen Hawking, vv.
  • ThS Trương Quế Chi: Giám tuyển điện ảnh tham gia trong nhiều triển lãm, liên hoan phim, hội thảo trong nước và quốc tế, nổi bật là đồng giám tuyển chương trình “Một câu chuyện điện ảnh Việt Nam và Pháp” của trung tâm Lưu trữ phim Châu Á (Asian Film Archive), Singapore (2022) và dự án nhiều kỳ Như Trăng Trong Đêm về điện ảnh Việt Nam tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (2020-2022) của Trung tâm TPD.

 

2. CHỨC NĂNG

– Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập và sáng tác biểu diễn theo kế hoạch đã được phê duyệt;

– Tham mưu cho Hiệu trưởng về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chuyên môn của Khoa.

  3. NHIỆM VỤ

– Đề xuất thay đổi về tổ chức, nhân sự trong Khoa, tham gia hội đồng tuyển chuyên môn đối với giảng viên khi có nhu cầu tuyển dụng. Đề xuất nhận nhiệm vụ đào tạo các trình độ, mở ngành, chuyên ngành đào tạo;
– Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ viên chức, người lao động và người học;
– Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho viên chức, người lao động thuộc Khoa;
– Quản lý toàn diện viên chức, người lao động và người học thuộc Khoa theo phân cấp của Hiệu trưởng;
– Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, phát triển chương trình đào tạo và cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế;
– Xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy, học tập và chủ trì tổ chức thông báo đào tạo theo đúng quy định. Tổ chức các hoạt động giáo dục khác trong chương trình, kế hoạch giảng dạy chung của Nhà trường;
– Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thi kết thúc học phần, thi tốt nghiệp, bảo vệ tốt nghiệp;
– Phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học cấp Khoa, nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập và dự giờ, đánh giá giờ giảng của giảng viên;
– Theo dõi, quản lý nề nếp giảng dạy, học tập của giảng viên, HSSV trên giảng đường, hoạt động của giảng viên chủ nhiệm lớp, hoạt động sinh hoạt của các lớp. Duy trì sinh hoạt, kiểm điểm cuối học kỳ, cuối năm của các lớp trong Khoa;
– Quản lý kết quả học tập: điểm, bài thi các môn học, bài tốt nghiệp của các lớp. Công khai điểm thi, điểm chuyên cần của HSSV thuộc Khoa;
– Phối hợp với các đơn vị liên quan xét khen thưởng, kỉ luật và các chế độ chính sách đối với HSSV đúng quy định và đúng kế hoạch;
– Quản lý chất lượng, nội dung, phương pháp đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản lý chất lượng hoạt động khoa học, công nghệ;
– Đề xuất các giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập cần biên soạn và chọn người tham gia biên soạn. Tổ chức biên soạn, quản lý chương trình, giáo trình, đề cương môn học, đề cương bài giảng;
– Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, chủ động khai thác các dự án hợp tác quốc tế, phối hợp với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học học, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội;
– Tổ chức các lớp rút ngắn về nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo đúng quy định;
– Đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo trì, sửa chữa thiết bị dạy – học, thực hành, thực tập và thực nghiệm khoa học;
– Quản lý, tổ chức khai thác hiệu quả, đúng quy định cơ sở vật chất trong phạm vi của Khoa;
– Chịu trách nhiệm quản lý và phân công công việc cụ thể cho từng viên chức, người lao động trong Khoa;
– Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng giao.