Nghệ sĩ ưu tú – Giảng viên Bùi Như Lai – Nghề diễn là sáng tạo không giới hạn

Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Bùi Như Lai – Tiến sĩ, Trưởng Khoa Sân khấu Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Bùi Như Lai – Tiến sĩ, Trưởng Khoa Sân khấu Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, ngay từ khi còn rất trẻ, anh đã là một diễn viên và đạo diễn có nhiều thành tựu nổi bật. Hành trình sáng tạo và cống hiến cho nền sân khấu – điện ảnh Việt Nam của NSƯT Bùi Như Lai đã được Nhà nước ghi nhận và trao tặng cho anh Huân chương lao động Hạng Ba. Anh là cựu sinh viên chuyên ngành Diễn viên kịch Điện ảnh – Truyền hình của Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Năm 2003, ngay sau khi tốt nghiệp đại học NSƯT Bùi Như Lai đã say mê với nghề diễn viên, nhưng không dừng lại ở đó, anh đã tiếp tục học và lao động nghệ thuật để trở thành đạo diễn sân khấu với nhiều vở diễn nổi tiếng để lại trong lòng khán giả như: vở diễn “Tái sinh”; “Edip làm vua”; “Đến bờ bên kia”; “Đi qua ngày giông bão”… Bài viết này tập trung tìm hiểu về sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của NSƯT Bùi Như Lai như một ví dụ điển hình về giá trị lao động nghệ thuật đó là sự sáng tạo không giới hạn để có được sự ghi nhận của khán giả, đóng góp vào sự phát triển của nghệ thuật sân khấu – điện ảnh Việt Nam, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

  1. NSƯT Bùi Như Lai – Sân khấu phải góp phần giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, làm cho con người ngày càng hạnh phúc hơn

Hiếm có những người nghệ sĩ tìm được phong cách riêng của mình, được khán giả ghi nhận nếu như không dám dấn thân vào thực tiễn của cuộc sống, dám đấu tranh để loại bỏ những áp bức, bất công và làm cho con người ngày càng hạnh phúc hơn.

Ngay từ khi còn là diễn viên trẻ, bắt nhịp với hơi thở của đổi mới, NSƯT Bùi Như Lai đã lao vào nghề bất chấp những khó khăn, thách thức của cái mới. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, trên lĩnh vực sân khấu, ở Việt Nam nổi lên xu hướng nghệ thuật mới từ bên ngoài được du nhập vào, đó là nghệ thuật đương đại và sân khấu cũng không nằm ngoài xu hướng đó, diện mạo sân khấu đương đại Việt Nam vẫn đang là một cuộc tranh luận chưa có hồi kết nhưng những dấu ấn về nó và những đóng góp cho sự phát triển của sân khấu Việt Nam trong thời kỳ hội nhập văn hóa với thế giới thì không thể không kể đến những nhân vật góp phần làm cho sân khấu đương đại hình thành. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Minh Ngọc cho rằng: “Sân khấu đương đại mang dấu ấn của sự tìm tòi cái mới, và công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn của người làm sân khấu, vì phải thuyết phục được khán giả chấp nhận cái mới đó. Dù khán giả hiện nay có thể chủ động tiếp cận nhiều cái mới, thì vẫn cần sự dẫn dắt từ giới làm nghề, vẫn chờ đợi sự sáng tạo từ chính người nghệ sĩ.”(1)

Như một sự lựa chọn của lịch sử, NSƯT Bùi Như Lai sau khi được biết đến những vai diễn nổi tiếng tại Nhà hát Tuổi trẻ năm 2002, được trao danh hiệu Tài năng trẻ sân khấu năm 2003 qua vai chính Edip trong vở kịch “Edip làm vua”, anh đã được chọn để tham gia khóa học Nâng cao năng lực sáng tạo của con người do Nhà hát David Glass (Anh) phối hợp với Việt Nam tổ chức kéo dài từ năm 2002 đến năm 2005. Có thể nói đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của anh, những trải nghiệm từ khóa học đã làm thay đổi tư duy nghệ thuật trong quá trình hoạt động sau này của NSƯT Bùi Như Lai và được giới nghiên cứu đánh giá: “Đó chính là sự tổng hợp giữa học diễn xuất và khả năng quản lý cũng như khai thác những đề tài tiếp cận với cộng đồng xã hội”(3). Dấu ấn đậm chất Bùi Như Lai phải kể đến những công phu của anh khi thực hiện những vở diễn gắn với những số phận con người phải chịu đựng những nỗi đau khổ, oan trái, đắng cay (dự án “Đừng đợi đến ngày mai” năm 2011) hay việc anh tìm mọi cách kêu gọi cộng đồng xã hội chia sẻ, bỏ đi những kỳ thị về bệnh tật, sẵn sàng đón nhận, bao dung những con người bị bệnh thế kỷ và bị cộng đồng kỳ thị xa lánh và muốn trở về với đời thường (vở “Hãy là chính mình” năm 2012), nhận xét về Bùi Như Lai khi triển khai liền hai kịch bản, một là đề tài về đồng tính và bạo hành gia đình, tác giả Vương Tâm đã viết: “Tác phẩm nghệ thuật sân khấu đương đại đề cập tới thân phận của những người đồng tính nữ đã được biểu diễn miễn phí phục vụ cho sinh viên của hàng trăm trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. “Hãy là chính mình” đã có tư tưởng truyền thông sâu sắc, làm xúc động lòng người và đã lấy được nhiều nước mắt của khán giả”(4). Có thể nói bằng cách sân khấu hóa đời sống thực tế, Bùi Như Lai đã làm cho những ánh sáng màu kinh điển của sân khấu truyền thống trở thành đời hơn, sống động hơn.

Để thực hiện những đam mê của mình, NSƯT Bùi Như Lai đã không ngừng học hỏi, anh đã nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2021. Bằng cách không ngừng làm việc và học hỏi, anh đã được khán giả ghi nhận và được Nhà nước trao Huân chương lao động Hạng Ba. Những năm gần đây, Bùi Như Lai vẫn trung thành theo đuổi ý tưởng sân khấu đương đại, tiếp cận cuộc sống của mình, anh đã dành hết tâm trí cho các dự án sân khấu hợp tác với các tổ chức phi chính phủ.

Khi nghiên cứu về sự nghiệp của NSƯT Bùi Như Lai, tôi nghĩ đến câu nói của Nghệ sĩ Nhân dân, Tiến sĩ Trung Kiên nhận xét: “Nghệ thuật đương đại giải phóng người nghệ sĩ và cho họ quyền tự do sáng tạo không giới hạn”(2). Có thể nói, chính những nỗ lực không ngừng nghỉ, đam mê và sáng tạo không giới hạn đã giúp cho người nghệ sĩ như NSƯT Bùi Như Lai góp phần làm cho sân khấu Việt Nam phát triển, định hình diện mạo sân khấu đương đại, đưa sân khấu Việt Nam vào dòng chảy chung của thế giới.

  1. NSƯT Bùi Như Lai và những đóng góp cho diện mạo sân khấu đương đại Việt Nam với quan điểm người nghệ sĩ phải biết mang lên sân khấu những vấn đề của cuộc sống

Trong quá trình trải nghiệm với nghề diễn viên và chuyển sang làm đạo diễn sân khấu, NSƯT Bùi Như Lai chưa bao giờ ngừng học hỏi, rèn rũa bản thân để ngày càng thấm được những giá trị thật của đời sống con người. Với anh, người làm nghề nói chung, nghề diễn viên nói riêng phải luôn trong “tâm thái của người phụng sự”, có nghĩa là phải luôn rèn rũa, không ngừng rèn luyện bản thân từ đạo đức cho đến tài năng, phải kỷ luật bản thân để có thể luôn luôn đáp ứng những yêu cầu của mỗi nhân vật khác nhau, làm thế nào để bằng nghề của mình, bằng vai diễn của mình, cho dù là một vai diễn duy nhất để đời cũng là hình ảnh để lan tỏa  tình thương yêu, hiểu biết; hướng đến sự chung sống hài hòa, sự bao dung, nhân nhượng của những con người có lương tri. Đối với bản thân anh, đó chính là quá trình không ngừng học hỏi, học trong nước, học với các đối tác quốc tế để nâng cao khả năng thâu tóm vấn đề cuộc sống, nâng cao cách thể hiện cũng như đưa tác phẩm ngày càng tiến gần đến sự phổ quát. Vì thế lúc là vai trò của đạo diễn sân khấu, lúc là vai trò của người thầy giáo trên bục giảng, lúc lại với vai trò là một diễn viên trong những dự án làm phim hoặc một vở diễn, Anh trở thành một người có tâm thái của phụng sự, không chỉ làm với bổn phận của một công dân, anh còn mong muốn cống hiến, muốn mang đến nhiều hơn hơi thở của cuộc sống, lan tỏa những tình cảm đẹp, lan tỏa lối sống văn hóa đẹp và hòa nhập với thế giới, với nhân loại. Chẳng hạn, khi nói về cách xây dựng nhân vật Kiều, NSƯT Bùi Như Lai đã nhìn thấy cái chung trong cái riêng và anh đã làm cho cái riêng toát lên được cái chung, anh đã đưa kịch đọc, nghệ thuật hình thể, múa, pha trộn các chuyển động để làm nổi bật tinh thần tự do của nhân vật Kiều khi thể hiện mong muốn vươn tới tự do, xây dựng khí chất của người phụ nữ từ nhân vật Kiều điển hình cho đến mong muốn tự do của người phụ nữ nói chung, của nhân loại chứ không chỉ riêng của Việt Nam.

NSƯT Bùi Như Lai với một tâm thế luôn đối mặt, tìm cách giải quyết chứ không trốn tránh hiện thực, anh được biết đến như một đạo diễn với những vở kịch hình thể có tính xã hội, điều này không thể không nhắc đến mảng đề tài làm thay đổi cái nhìn về người đồng tính (vở Stereo Man, Hành trình đi tìm cảm xúc và Được là chính mình). Anh đã thực hiện vở “Được là chính mình” với một sự đầu tư công phu, táo bạo nhất: “Đoàn kịch phối hợp với một tổ chức xã hội dân sự là Viện iSEE, mang đi diễn tại nhiều trường đại học ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và được truyền thông đưa tin khá nhiều. Vở kịch hình thể về đồng tính nữ từng tham gia cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2013, là vở kịch hình thể dựa trên nghiên cứu về 40 người nữ yêu nữ của Viện iSEE”(5).

Quan điểm đối mặt với cuộc sống để chữa lành các vết thương do con người gây ra cho nhau đã được NSƯT Bùi Như Lai thể hiện trong Vở diễn “Edip làm vua” (vở diễn được đại diện Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội tham dự Liên hoan các Trường đào tạo nghệ thuật sân khấu châu Á (ATEC) lần thứ VI năm 2021 với chủ đề bi kịch cổ đại Hy Lạp), vở diễn đã chuyển tải thông điệp về tinh thần chịu trách nhiệm và vượt lên số phận của con người. Dù ở vị trí và trong hoàn cảnh nào, sự đối diện không né tránh và không đổ lỗi, sẵn sàng nhận trách nhiệm sẽ luôn là đức tính đáng trân trọng.

Có thể nói, bằng sự nỗ lực, tự rèn luyện và sự sáng tạo không giới hạn của mình, NSƯT Bùi Như Lai đã và đang trở thành một hình ảnh, một tấm gương đẹp cho các em sinh viên đang theo học nghề diễn viên với mong muốn các em sẽ nỗ lực không ngừng để góp phần xây dựng nền sân khấu – điện ảnh nước nhà, là những sứ giả văn hóa của Việt Nam khi góp phần xây dựng hình ảnh văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới.

  1. Một số thành tựu trong sự nghiệp của NSƯT Bùi Như Lai

* Giải thưởng

Năm 2003, Giải thưởng Diễn viên trẻ triển vọng. Trong cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu Toàn quốc – 2003.

Năm 2008, Huy chương vàng biên đạo Hình thể tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc lần thứ nhất.

Năm 2009, Huy chương bạc vai diễn Ông Đồ Già trong vở Kiều Loan.

Năm 2013, Giải thưởng của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho đạo diễn trẻ – Liên hoan Đạo diễn trẻ toàn quốc.

Năm 2015, Huy chương vàng vai diễn Quan thị lang Ngô Thì Nhậm – Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp 2015.

Năm 2016, Huy chương vàng các vai, Kim Trọng, Sở Khanh, Thúc Sinh, Từ Hải, Nguyễn Du tại Liên hoan sân khấu Thể Nghiệm Quốc tế 2016.

Năm 2019, NSƯT. Bùi Như Lai vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và Huân chương Lao động hạng III của Chủ tịch nước trao tặng.

Năm 2020, giải thưởng cho đạo diễn có sáng tạo xuất sắc trong vở diễn “Tái sinh” và Huy chương vàng cho cả vở diễn trong Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân.

Năm 2021, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực tham gia Chương trình Lễ kỷ niệm 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam (1921 – 2021) khi được chọn làm đạo diễn cho tác phẩm “Chén thuốc độc”, vở kịch nói đầu tiên của sân khấu Việt Nam.

Năm 2022, Đạo diễn vở “Edip làm vua” đã giành Huy chương bạc trong Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V – 2022.

Năm 2022, Đạo diễn vở “Đến bờ bên kia” giành Huy chương vàng trong Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V – 2022.

Năm 2022, Đạo diễn xuất sắc với vở diễn “Đi qua ngày giông bão”.

Năm 2022, Đạo diễn vở “Đi qua ngày giông bão” giành Huy chương bạc trong Liên hoan tuồng và dân ca kịch.

* Các chương trình nghệ thuật tham gia

Thực hiện hàng trăm buổi biểu diễn phục vụ miễn phí cho các khán giả trẻ trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt đưa tác phẩm đến với các khán giả thuộc vùng sâu, vùng xa như: Bắc Kạn; Cao Bằng; Hà Giang; Kon Tum; Buôn Mê Thuột; Hà Tĩnh.

Tham gia biểu diễn tác phẩm “Brand” của tác giả Ipxen – Tác phẩm giao lưu văn hóa với Đại sứ quán Nauy tại Việt Nam.

Tham gia xây dựng dự án và làm trợ lý đạo diễn cho tác phẩm “Tất cả đều là con tôi” do đạo diễn Neil Flecman thực hiện – Tác phẩm giao lưu văn hóa với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.

Tham gia biểu diễn và làm trợ lý đạo diễn cho tác phẩm “Người đi qua thung lũng” do đạo diễn Beverly Blankenship thực hiện – Tác phẩm giao lưu văn hóa của Đại sứ quán Đức và Viện Goethe tại Việt Nam thực hiện.

Tham gia dàn dựng và làm trợ lý đạo diễn cho tác phẩm Opera “Hạc Chiều” Tác phẩm chào mừng kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tham gia vào các hoạt động biểu diễn giao lưu văn hóa với các nước Hàn Quốc, Đức, Australia và các nước thuộc khối Asean.

Chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện các chương trình kết hợp với các tổ chức phi lợi nhuận, nhằm đưa nghệ thuật vào phát triển xã hội tại Việt Nam.

Tham gia dàn dựng và thực hiện công việc đạo diễn và phó tổng đạo diễn cho các chương trình lễ hội, sự kiện lớn của Nhà hát.

Tháng 6/ 2015 tác phẩm “Sống tử tế” do NSƯT Bùi Như Lai đạo diễn tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Tháng 7/2015 tác phẩm “Cho cuộc đời bình yên” do NSƯT Bùi Như Lai đạo diễn đã tham gia Liên hoan sân khấu về hình tượng người Chiến sỹ Công an nhân dân.

Trực tiếp đạo diễn dàn dựng các chương trình thiếu nhi nhằm phục vụ đông đảo khán giả nhỏ tuổi theo đúng tiêu chí của Nhà hát Tuổi trẻ dành cho thanh, thiếu nhi. Các vở đã dàn dựng: Phiêu lưu trong thế giới hoạt hình 1, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Dế Mèn phiêu lưu kí, Căn bếp đại chiến…

Đầu năm 2023, tham gia phim truyền hình “Dưới bóng cây hạnh phúc” đang phát sóng trên kênh VTV1 – Đài truyền hình Việt Nam.

(*) ThS. Nguyễn Thị Phương: Phòng Khảo thí & Đảm bảo chất lượng giáo dục – Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1), (2): Đông A: Sân khấu đương đại Việt Nam vẫn đang trên đường định hình”,   https://www.phunuonline.com.vn/san-khau-duong-dai-viet-nam-van-dang-tren-duong-dinh-hinh-a1461009.html.

(3), (4): Vương Tâm: Đạo diễn Bùi Như Lai: chia sẻ với những phận đời cay đắng”,https://suckhoedoisong.vn/ao-dien-bui-nhu-lai-chia-se-voi-nhung-phan-doi-cay-dang-16981859.htm.

(5): Đạo diễn Bùi Như Lai: Những vở kịch đã làm thay đổi cái nhìn về người đồng tính, https://csaga.org.vn/dao-dien-bui-nhu-lai-nhung-vo-kich-da-lam-thay-doi-cai-nhin-ve-nguoi-dong-tinh-n179.html.