Tên ngành đào tạo |
: Diễn viên kịch – điện ảnh |
Tên ngành đào tạo (tiếng Anh) |
: Acting for screen and stage |
Mã ngành |
: 52210234 |
Trình độ đào tạo |
: Đại học |
Hình thức đào tạo |
: Chính quy |
DIỄN VIÊN KỊCH – ĐIỆN ẢNH
Bạn muốn trở thành diễn viên nổi tiếng và chuyên nghiệp được xuất hiện trên các bộ phim truyền hình, điện ảnh ăn khách, các vở diễn trên sân khấu cả nước hay trở thành những MC được nhiều người yêu thích? Bạn có đam mê được hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật về diễn xuất, muốn được trải nghiệm cuộc sống qua nhiều dạng vai khác nhau để mang lại tiếng cười cũng như khơi gợi niềm cảm xúc trong mỗi khán giả? Hãy đăng ký chuyên ngành Diễn viên Kịch – Điện ảnh.
- Chương trình học:
Bên cạnh những môn học kiến thức cơ bản bắt buộc theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình đào tạo Diễn viên Kịch – Điện ảnh được tổ chức như sau:
Năm 1:
Sinh viên được rèn luyện hệ thống kỹ năng cơ bản về nghệ thuật biểu diễn như: cảm thụ, phán đoán, giao lưu, tưởng tượng, thích ứng… nhằm bảo đảm tính chân thực trong biểu diễn, tính tích cực, cách triển khai và ý nghĩa của hành động. Sinh viên được học cách chuyển dịch từ các chất liệu văn học như truyện ngắn, một phần tiểu thuyết sang hành động của nghệ thuật biểu diễn, và làm các bài tập thực hành về nó do sinh viên tự sáng tạo. Ngoài ra, sinh viên được học các môn bổ trợ khác như: hình thể, tiếng nói, đại cương sân khấu, triết học, văn học, v.v…
Năm 2:
Sinh viên bắt đầu rèn luyện tính chuyên nghiệp của nghề nghiệp diễn viên thông qua việc tiếp cận kịch bản văn học và nhân vật kịch ở mức độ trích đoạn của các vở kịch Việt Nam hiện đại, kịch về đề tài lịch sử và văn hoá truyền thống. Trên cơ sở phân tích đánh giá đúng nội dung kịch bản và nhân vật kịch, sinh viên được trang bị kiến thức và phương pháp nghiên cứu sẽ bước đầu trực tiếp thực hành sáng tạo các vai diễn thích hợp được trích từ các tác phẩm đó. Ngoài ra, sinh viên được học các môn bổ trợ khác như: hình thể, tiếng nói, nghệ thuật tạo hình, v.v…
Năm 3:
Sinh viên được tiếp tục rèn luyện tính chuyên nghiệp của nghề nghiệp diễn viên thông qua việc tiếp cận và thực hiện các vai diễn trong các tác phẩm kịch kinh điển của thế giới (nước ngoài và cổ điển). Điều này sẽ giúp sinh viên trang bị cho bản thân phong cách biểu diễn phong phú. Sinh viên cũng sẽ có thể được học các chuyên gia về diễn xuất đến từ các nước như Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc… cũng như được tạo mọi điều kiện để có thể tham gia các bộ phim điện ảnh, truyền hình trên cả nước. Ngoài ra, sinh viên được học các môn bổ trợ khác như: tâm lý học, mỹ học, phương pháp sân khấu truyền thống, thanh nhạc, múa, phân tích tác phẩm kịch, v.v…
Năm 4:
Tổng hợp các kiến thức và kĩ năng qua 3 năm học, sinh viên tham gia một vai diễn (đảm bảo đầy đủ đời sống nhân vật) trong một vở kịch hoàn chỉnh (vở tiền tốt nghiệp và vở diễn tốt nghiệp). Sinh viên có thể được đi biểu diễn thực tập trước khán giả qua những vở diễn trên. Ngoài ra, sinh viên được học các môn bổ trợ khác như: hóa trang, lịch sử điện ảnh Việt Nam và thế giới, v.v…
- II. Vị trí của người học sau khi tốt nghiệp
- Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận công việc của diễn viên tại các hãng phim, các công ty truyền thông, quảng cáo, các đài truyền hình, nhà hát, đoàn nghệ thuật của trung ương và địa phương; tham gia lồng tiếng cho các tác phẩm điện ảnh, truyền hình.
- Đảm nhận công việc tổ chức các dự án thuộc lĩnh vực điện ảnh – truyền hình, truyền thông, tổ chức làm phim, sản xuất các chương trình truyền hình.
- Có khả năng tham gia, chịu trách nhiệm tổ chức chương trình văn hóa văn nghệ tại các cơ quan, công ty, nhà văn hóa…
- Làm trợ lý đạo diễn, tuyển chọn diễn viên cho các bộ phim.
- Tham gia công tác giảng dạy chuyên ngành ở các trường đào tạo nghệ thuật trong cả nước, giáo viên các trung tâm văn hoá, nghệ thuật.
III. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường
- Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Diễn viên kịch – điện ảnh, sinh viên có thể đăng ký tiếp tục học lên trình độ thạc sĩ ngành Nghệ thuật sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.
- Tham gia các khoá học ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn ở trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
- IV. Các chương trình, tài liệu, chuẩn quốc tế mà nhà trường tham khảo
– B.Gielejnhiacov (2001), Màu sắc và tương phản, Viện Điện ảnh Quốc gia S.A.Gerasimov (VGIK).
– A. Pô Pốp (1982), Vở diễn và đạo diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
– Arittôt (1964), Nghệ thuật thi ca, NXB Văn hóa nghệ thuật Hà Nội.
– Becton Brech (1983), Bàn về sân khấu tự sự, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
– Mikhôenxơ (1977), Lao động diễn viên, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
– B.E.Dakhava (1982), Nghệ thuật diễn viên, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
– Odette Aslan (1982), Người diễn viên thế kỷ XX, Viện Nghiên cứu Sân khấu.
– Obrusơva (1975), Sân khấu hiện đại Anh, Nauka
– Kneben (2005), Phân tích hành động vở và vai kịch (Nguyễn Nam dịch), Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.
– Akhơlôkôp (1970), Hình tượng nghệ thuật của vở diễn (tập 1), Hội nghệ sĩ sân khấu dịch và phát hành, tài liệu nội bộ
– V.Lodimirov,s (1972), Hành động trong kịch, Iskusstvo
– M.IA.Pôliakôp (2000), Về nghệ thuật sân khấu, Hãng thông tấn quốc tế xuất bản AD &T, Matxcơva
– G.Topxtonogop (1971), Bàn về nghệ thuật đạo diễn tập 1, tập 2. Ban Học tập, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
– V.I. Leenin (1956), Bàn về văn hóa nghệ thuật, NXB Matxcơva
– Ian Mc Grat (2000), Người bao quát tầm nhìn, (Nguyễn Đình Thi dịch), Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.
– Zđan (2004), Nguyên lý cơ bản về điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.
– I.TepLix (1978), Lịch sử điện ảnh thế giới, NXB Văn hóa.
– Georges Sadoul, Lịch sử điện ảnh thế giới, NXB ngoại văn và Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội.
– Macxen Mactanh (1983), Ngôn ngữ điện ảnh, Cục Điện ảnh xuất bản.
TUYỂN SINH
(Thông tin mang tính tham khảo, mọi chi tiết về thể thức thi tuyển và môn thi được nêu chi tiết trong thông báo tuyển sinh hằng năm của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội trên website: http://skda.edu.vn hoặc qua cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
- Đối tượng và điều kiện dự thi
- Đã tốt nghiệp THPT theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề, trung cấp nghề.
- Có đủ sức khoẻ để học tập và các quy định khác tại Điều 5 (Điều kiện dự thi) Quy chế Tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Điều kiện dự thi đối với ngành nghệ thuật đặc thù:
– Có độ tuổi từ 17 đến 22. Chiều cao tối thiểu đối với nam: 1m65; nữ: 1m55.
– Người cân đối, không có khuyết tật hình thể. Có tiếng nói tốt, không nói ngọng, nói lắp.
– Thí sinh nữ khi dự thi không mặc áo dài, không mặc váy và không được trang điểm.
- Hồ sơ đăng ký dự thi
- Hồ sơ của tất cả các thí sinh dự thi vào các ngành / chuyên ngành đào tạo chính quy của trường, theo mẫu quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hằng năm. Yêu cầu thí sinh đăng ký đúng mã ngành hoặc mã chuyên ngành dự thi.
- Thí sinh thi khối S có thể đăng ký dự thi nhiều ngành / chuyên ngành để lựa chọn. Ở vòng sơ tuyển, nếu điều kiện thời gian cho phép, thí sinh có thể dự thi các ngành / chuyên ngành đã đăng ký. Nhưng ở vòng chung tuyển, thí sinh chỉ được chọn dự thi ở một ngành / chuyên ngành.
- Hồ sơ dự thi nộp tại Sở Giáo dục và Đào tạo, nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú, theo đúng thời gian mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hoặc trực tiếp nộp tại Trường (không nộp qua bưu điện).
III. Thể thức thi tuyển và môn thi
- Vòng Sơ tuyển:
– Kiểm tra hình thể và tiếng nói: Thí sinh tự chuẩn bị và trình bày một bài hát, một bài thơ hoặc một đoạn văn xuôi.
– Tự chuẩn bị và biểu diễn một tình huống kịch không có nhân vật thứ 2, thời gian không quá 10 phút.
- Vòng Chung tuyển:
– Môn 1: Biểu diễn một tiểu phẩm sân khấu theo đề thi, không có người thứ hai. Thời gian không quá 10 phút; Thể hiện các tình huống theo yêu cầu của Ban Giám khảo và trả lời các câu hỏi liên quan đến đề thi.
– Môn 2: Thí sinh được vào vòng chung tuyển phải xét tuyển thêm môn Ngữ văn lấy từ kỳ thi Tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học Quốc Gia. Điểm môn thi này phải đạt ngưỡng quy định của Bộ GD-ĐT trở lên.
CLIP TƯ VẤN TUYỂN SINH CHUYÊN NGÀNH DIỄN VIÊN KỊCH – ĐIỆN ẢNH – TRUYỀN HÌNH