Chuyên ngành Biên kịch kịch hát dân tộc (ĐH)

Tên chuyên ngành đào tạo

: Biên kịch kịch hát dân tộc

Tên chuyên ngành đào tạo (tiếng Anh)

: Traditional theatre scriptwriters

Tên ngành đào tạo

: Biên kịch sân khấu

Tên ngành đào tạo (tiếng Anh)

: Play writing

Mã ngành

: 52210225

Trình độ đào tạo

: Đại học

Hình thức đào tạo

: Chính quy

 

BIÊN KỊCH KỊCH HÁT DÂN TỘC

          Yêu thích, am hiểu về văn học dân gian, có khả năng sáng tác kịch bản sân khấu. Chuyên ngành Biên kịch kịch hát dân tộc sẽ cho bạn kỹ năng chuyên nghiệp để trở thành tác giả sân khấu kịch hát dân tộc.

  1. Chương trình học:

Bên cạnh những môn học kiến thức cơ bản bắt buộc theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình đào tạo Biên kịch kịch hát dân tộc được tổ chức như sau:

            Năm 1:

            Học kĩ thuật biên kịch sân khấu cơ bản. Để hỗ trợ tích cực cho chuyên ngành sáng tác, bạn được học về ngôn ngữ, ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật biểu diễn sân khấu kịch hát dân tộc, văn hóa dân gian Việt Nam.

            Năm 2:

            Học kỹ thuật biên kịch sân khấu chuyên sâu về xây dựng cốt truyện, xây dựng nhân vật… Đồng thời được trang bị kiến thức cần thiết cho chuyên ngành biên kịch sân khấu như: tâm lí học cơ bản, cơ sở văn hóa Việt Nam, lịch sử tạo hình Việt Nam, v.v…

            Năm 3:

            Nâng cao kỹ thuật biên kịch sân khấu và kỹ thuật biên kịch sân khấu kịch hát dân tộc. Đồng thời được trang bị các kiến thức hỗ trợ tích cực như: mỹ học, lịch sử tạo hình thế giới, xử lí làn điệu trong sân khấu kịch hát, phương pháp sáng tạo trên sân khấu truyền thống.

            Năm 4:

            Sinh viên thực tập và làm bài tập tốt nghiệp là sáng tác một kịch bản sân khấu kịch hát dân tộc. Sinh viên học bổ trợ các kiến thức lịch sử sân khấu thế giới, lí luận kịch, phân tích tác phẩm chuyên ngành. 

  1. Vị trí của người học sau khi tốt nghiệp
  2. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận công việc biên kịch ở các nhà hát, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Cán bộ các đơn vị đoàn thể, cán bộ tuyên truyền văn hoá, thông tin cơ sở, đài truyền hình, hãng phim, các công ty truyền thông, tổ chức sự kiện, lễ hội.
  3. Tham gia vào các dự án thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, sự kiện, lễ hội.
  4. Có thể tham gia vào công tác giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghệ thuật của trung ương và địa phương; giáo viên các trung tâm văn hoá nghệ thuật trên toàn quốc.

III. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường

  1. Sau khi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Biên kịch kịch hát dân tộc, sinh viên có thể đăng ký tiếp tục học lên trình độ thạc sĩ ngành Nghệ thuật Sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.
  2. Tham gia các khoá học ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn ở trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

 

TUYỂN SINH

(Thông tin mang tính tham khảo, mọi chi tiết về thể thức thi tuyển và môn thi được nêu chi tiết trong thông báo tuyển sinh hằng năm của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội trên website: http://skda.edu.vn hoặc qua cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

  1. Đối tượng và điều kiện dự thi
  2. Đã tốt nghiệp THPT theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề, trung cấp nghề.
  3. Có đủ sức khoẻ để học tập và các quy định khác tại Điều 5 (Điều kiện dự thi) Quy chế Tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  4. Điều kiện dự thi đối với ngành nghệ thuật đặc thù:

Khi đăng ký dự thi, thí sinh phải nộp các bài điều kiện dự thi chuyên ngành gồm:

– 01 bài viết (viết tay trên khổ giấy A4), lý giải tại sao mình lại lựa chọn dự thi ngành học này.

01 truyện ngắn hoặc 01 kịch bản ngắn (ưu tiên kịch bản kịch hát) do mình sáng tác, đánh máy trên khổ giấy A4, mỗi truyện ngắn, kịch bản ngắn không quá 1.200 từ.

– Các bài viết phải do chính thí sinh thực hiện. Nếu phát hiện hiện tượng đạo văn của người khác, thí sinh sẽ bị huỷ kết quả thi. Bài điều kiện dự thi chuyên ngành, thí sinh cho vào phong bì gửi chuyển phát nhanh về Trường, ngoài bì thư ghi rõ: “Bài dự thi năng khiếu kỳ tuyển sinh vào Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội” (không nộp tại địa phương); hoặc trực tiếp nộp cho Ban Thư ký tuyển sinh tại Trường trong thời hạn Trường tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi.

  1. Hồ sơ đăng ký dự thi
  2. Hồ sơ của tất cả các thí sinh dự thi vào các ngành / chuyên ngành đào tạo chính quy của trường, theo mẫu quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hằng năm. Yêu cầu thí sinh đăng ký đúng mã ngành hoặc mã chuyên ngành dự thi.
  3. Thí sinh thi khối S có thể đăng ký dự thi nhiều ngành / chuyên ngành để lựa chọn. Ở vòng sơ tuyển, nếu điều kiện thời gian cho phép, thí sinh có thể dự thi các ngành / chuyên ngành đã đăng ký. Nhưng ở vòng chung tuyển, thí sinh chỉ được chọn dự thi ở một ngành / chuyên ngành.
  4. Hồ sơ dự thi nộp tại Sở Giáo dục và Đào tạo, nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú, theo đúng thời gian mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hoặc trực tiếp nộp tại Trường (không nộp qua bưu điện).

III. Thể thức thi tuyển và môn thi

  1. Vòng Sơ tuyển:

– Thi viết kiến thức chung về văn hoá xã hội và văn học nghệ thuật.

  1. Vòng Chung tuyển:

– Môn 1: Viết sáng tác tiểu phẩm kịch hát theo đề thi.

– Môn 2: Vấn đáp: Kiểm tra khả năng sáng tác  kịch bản kịch hát, hiểu biết về văn hoá, nghệ thuật và sân khấu kịch hát.

— Môn 3:  Thí sinh được vào vòng chung tuyển phải xét tuyển thêm môn Ngữ văn lấy từ kỳ thi Tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học Quốc Gia. Điểm môn thi này phải đạt ngưỡng quy định của Bộ GD-ĐT trở lên.

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.