KHOA SAU ĐẠI HỌC
– Địa chỉ | : Tầng 1 nhà D – Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội |
Khu Văn hoá Nghệ thuật, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội | |
– Điện thoại | : 04.3837.1755 |
: khoaSDH.SKDA@moet.edu.vn |
CÁC NGÀNH / CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO
LỊCH SỬ
Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội được thành lập ngày 17 tháng 12 năm 1980, theo quyết định số 372/CP của Hội đồng Chính phủ, trên cơ sở sáp nhập các ngành thuộc khối nghệ thuật của Trường Điện ảnh Việt Nam và Trường Sân khấu Việt Nam. Trong hơn 30 năm tồn tại và phát triển, Trường là cơ sở duy nhất của cả nước đào tạo bậc đại học các chuyên ngành nghệ thuật trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, truyền hình, thiết kế mỹ thuật, kịch hát dân tộc, múa… Từ mái trường này, các cử nhân do trường đào tạo đã đem hết sức mình phục vụ đồng bào từ đồng bằng cho đến hải đảo, miền núi xa xôi… Trong số họ, có nhiều người đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, trở thành cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý có uy tín.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, ngày 19/6/1996, Khoa Sau đại học được thành lập với nhiệm vụ đào tạo cán bộ trình độ trên đại học. Sau 3 năm chuẩn bị, trường đã xây dựng được khung chương trình đào tạo Thạc sĩ cho hai ngành: Nghệ thuật Sân khấu và Nghệ thuật Điện ảnh.
Ngày 26/5/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 60/2000/QĐ-TTg; ngày 13/6/2000, Bộ Giáo dục & Đào tạo ra Quyết định số 2533/QĐ/BGD&ĐT-SĐH về việc giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học cho nhà trường. Tháng 6/2000, trường đã tổ chức khai giảng khoá cao học đầu tiên. Từ năm 2000 đến năm 2011, trường đã và đang tổ chức đào tạo 9 khoá Thạc sĩ, 101 học viên đã tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của ngành sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, truyền hình, thiết kế mỹ thuật, kịch hát dân tộc, múa… Các thạc sĩ đã tốt nghiệp tại trường đều phát huy tốt kiến thức đã học, hoạt động có hiệu quả tại các cơ sở đào tạo, hãng phim, nhà hát, đoàn nghệ thuật, đài phát thanh, truyền hình… của cả nước.
Ngày 28/02/2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 833/QĐ-BGDĐT về việc cho phép Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội đào tạo trình độ tiến sĩ 02 ngành Lý luận và Lịch sử Nghệ thuật Sân khấu; Lý luận và Lịch sử Nghệ thuật Điện ảnh – Truyền hình. Dự kiến trong năm 2012, Trường sẽ tuyển sinh khoá tiến sĩ đầu tiên.
Khoa Sau đại học của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội đã, đang và sẽ là đích hướng tới của các cử nhân nghệ thuật, trở thành nơi đặt niềm tin cho các đơn vị nghệ thuật gửi gắm cán bộ học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
CHỨC NĂNG
Khoa Sau đại học là đơn vị quản lý hành chính cơ sở của Trường có chức năng tham mưu, giúp Hiệu trưởng trong công tác tổ chức thực hiện và quản lý hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy sau đại học (trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ và bổ sung kiến thức sau đại học) theo đúng quy định.
NHIỆM VỤ
– Tham mưu, giúp Hiệu trưởng trong việc định hướng, xây dựng chiến lược phát triển đào tạo sau đại học và các nguồn lực phục vụ công tác đào tạo của khoa;
– Xây dựng hồ sơ mở ngành, chuyên ngành đào tạo mới. Chủ trì soạn thảo, ban hành các văn bản, quy định, đề án liên quan đến công tác đào tạo sau đại học;
– Chủ trì tổ chức xây dựng và chỉnh sửa chương trình đào tạo, đề cương môn học, giáo trình đào tạo sau đại học;
– Xây dựng và thực hiện kế hoạch giảng dạy, học tập, các chương trình đào tạo sau đại học;
– Quản lý kết quả học tập của học viên: điểm, bài thi, luận văn, luận án;
– Chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyển sinh sau đại học: xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch, tư vấn tuyển sinh; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cần thiết của quy trình tuyển sinh; lưu trữ bài thi và kết quả thi, thực hiện các nhiệm vụ sau tuyển sinh;
– Quản lý toàn diện viên chức, người lao động và người học thuộc khoa;
– Quản lý và phát văn bằng các trình độ đào tạo do khoa quản lý;
– Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác, phát triển đào tạo sau đại học với các đơn vị trong nước và quốc tế;
– Tổ chức và triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học để phục vụ cho giảng dạy sau đại học;
– Phối hợp với các đơn vị giải quyết việc ngừng học, thôi học, bảo lưu kết quả học tập và xử lý kỷ luật của học viên;
– Đề xuất thay đổi về tổ chức, nhân sự trong khoa, tham gia hội đồng tuyển chuyên môn đối với giảng viên khi có nhu cầu tuyển dụng;
– Chịu trách nhiệm quản lý và phân công công việc cụ thể cho từng viên chức, người lao động trong khoa;
– Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng giao.