Vở diễn “Không gục ngã” – Đưa khán giả đến gần hơn với nghệ thuật sân khấu ca kịch truyền thống của dân tộc

Sáng 01/7/2025, tại Nhà hát Quân Đội, Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống Nghệ An, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An đã tham dự Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ công an Nhân dân”  lần thứ 5 năm 2025 với vở Ca kịch “Không gục ngã”. Tác giả kịch bản: TS. Nguyễn Đăng Chương; Chuyển thể dân ca: NSND Nguyễn An Ninh; Đạo diễn: NSƯT Bùi Như Lai; Trợ lý Đạo diễn: NSƯT Tạ Hồng Dương; Âm nhạc: Nhạc sĩ Trần Quốc Trung – Thanh Hải; Biên đạo múa: NSƯT Diễm Hằng; Thiết kế Mỹ thuật: NSƯT Hoàng Phong… Cùng tập thể nghệ sĩ diễn viên và dàn nhạc Đoàn Dân ca Ví, Giặm thuộc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An biểu diễn.

Vở ca kịch “Không gục ngã” đề cập đến vấn đề “nhạy cảm” của xã hội, khi một người chiến sĩ công an trẻ tuổi có tên Hồng Sơn (NS Duy Thanh) trong quá trình “nằm vùng”, “đánh án” không may bị “tai nạn nghề nghiệp” nghiện ma túy. Sự việc trên đã khiến Hồng Sơn bị kỷ luật, khai trừ ra khỏi hàng ngũ công an; người yêu xa lánh, bỏ rơi; đồng nghiệp xấu lợi dụng, công khai lên báo chí… Hồng Sơn đã từng rất đau khổ, tuyệt vọng. Tuy nhiên, với bản lĩnh của một người chiến sỹ công an, được sinh ra và lớn lên bên dòng sông Lam hiền hòa thơ mộng, trong một gia đình có truyền thống công an (bố Sơn từng làm việc trong ngành công an, bị hy sinh trong quá trình đánh án, truy bắt tội phạm). Sau khi bị nghiện, Hồng Sơn nhận được sự giúp đỡ, động viên rất nhiều từ Thủ trưởng Thái (người đồng nghiệp từng mang ơn sâu đối với bố Sơn), của Lam (người bạn gái từ thuở ấu thơ với Sơn) và người mẹ tảo tần hôm sớm của mình… Anh trở về quê nhà, bên dòng sông Lam hiền hòa thơ mộng đã nuôi anh khôn lớn, trưởng thành. Anh vật vã chiến đấu với những đau đớn, dằt vặt và đã vượt qua những “cơn nghiện” trong chính bản thân mình. Hồng Sơn tiếp tục được Thủ trưởng đơn vị tin tưởng, giao nhiệm vụ mới; anh “trà trộn” vào tận cùng hang ổ của địch, truy bắt đường dây tội phạm buôn bán ma túy xuyên quốc gia và đã lập được công lớn, giành chiến tích về cho đơn vị…

Một cảnh trong vở ca kịch “Không gục ngã”

Ngay từ lớp khai từ, Đạo diễn NSƯT Bùi Như Lai đã sử dụng thủ pháp ước lệ, tượng trưng để thể hiện những đấu tranh nội tại trong chính con người Hồng Sơn, thông qua dàn múa (là những người mặc áo trắng, đại diện cho “chất trắng” gây nghiện). Dàn múa ra sân khấu lôi kéo, dụ dỗ, dọa nạt… Hồng Sơn, khiến anh đau đớn, vật vã đến tận cùng. Tuy nhiên, vượt lên trên mọi đau khổ, tuyệt vọng; Hồng Sơn đã chiến thắng “những cơn nghiện” trong chính bản thân mình; chiến thắng kẻ thù trong mọi hoàn cảnh. Toàn bộ vở diễn là một hành trình đấu tranh, vật lộn của nhân vật chính Hồng Sơn với những gian khó trong công việc, cuộc sống và trong cả mối tình éo le, ngang trái giữa Hồng Sơn và người yêu anh là Bác sĩ Thủy, con gái Thủ trưởng Thái (NS Quỳnh Lê thủ vai). Vở diễn có một cái kết đầy nhân văn nhân ái, khi cái ác, cái xấu bị phanh phui, vạch trần và trả giá; người tốt được yêu thương và đền đáp xứng đáng. Cảnh kết tràn đầy tình yêu thương, lắng đọng khi Sơn trở về quê nhà bên dòng sông Lam hiền hòa, thơ mộng; lắng nghe điệu dân ca, ví giặm thiết tha, ân tình; bên mẹ hiền và người bạn gái thủy chung son sắt từ thuở ấu thơ…

Một cảnh trong vở ca kịch “Không gục ngã”

Từ kịch bản kịch nói của tác giả TS. Nguyễn Đăng Chương, Tác giả chuyển thể NSND Nguyễn An Ninh đã đưa vào đó những làn điệu dân ca xứ Nghệ, xen kẽ các lối nói thơ, nói vần; văn chương lấp lánh, kết hợp với âm nhạc mang âm hưởng của thể loại dân ca, dân gian đặc trưng, đậm đà truyền thống dân tộc… Tất cả đã khiến cho vở diễn trở nên sâu lắng, trữ tình, mềm mại và hấp dẫn.

Thông qua Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ công an Nhân dân” lần thứ 5 năm 2025, vở diễn “Không gục ngã” đã góp phần đưa khán giả đến gần hơn với nghệ thuật sân khấu ca kịch truyền thống của dân tộc.

Dưới đây là hình ảnh một số cảnh trong vở ca kịch “Không gục ngã”:

Bài và ảnh: Trần Phương Hạnh