Vở diễn “Trời xanh nơi đáy vực” Tâm huyết của Đạo diễn Hoàng Tùng dành cho thể loại Nhạc kịch và các sinh viên Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội

Ngày 28/6/2025 vừa qua, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã tham dự Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ công an Nhân dân”  lần thứ 5 năm 2025 với vở Nhạc kịch “Trời xanh nơi đáy vực”. Tác giả: Trúc Ngân; Đạo diễn: ThS Nguyễn Hoàng Tùng; Trợ lý Đạo diễn: ThS Hán Quang Tú; Họa sĩ: ThS Hoàng Duy Đông; Nhạc sĩ: Nguyễn Nhật Minh; Huấn luyện thanh nhạc: Lê Nguyễn Hà Ny; Biên đạo múa: Nguyễn Minh Trà; Phục trang: ThS Đinh Thị Hằng; Hóa trang: ThS Đào Thị Thùy; Ánh sáng: ThS Nguyễn Hoài Thanh; Âm thanh: ThS Khổng Thanh Tuấn; Chỉ đạo nghệ thuật: PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi; Chỉ đạo thực hiện: TS.NSUT Bùi Như Lai; Trưởng đoàn biểu diễn: ThS Dương Thị Thanh Huyền… Cùng tập thể các giảng viên, sinh viên Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội tham gia biểu diễn.

Vở Nhạc kịch đã đọng lại những dư âm tốt đẹp trong lòng công chúng khán giả cũng như bạn bè đồng nghiệp và chắc chắn rằng “Trời xanh nơi đáy vực” còn là tâm huyết, trí tuệ và tình cảm của Giảng viên, Đạo diễn trẻ Hoàng Tùng dành cho “đứa con tinh thần” của mình nói riêng; thể loại Nhạc kịch và các sinh viên Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội nói chung.

  1. Vài nét về tiểu sử và con đường đến với nghệ thuật sân khấu của Giảng viên, Đạo diễn Hoàng Tùng:

Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thủ đô yêu dấu, Hà Nội – Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội; nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, nghệ thuật của cả nước. “Cái nôi” của nền văn minh – văn hóa ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn, trái tim nhạy cảm và tình yêu nghệ thuật sân khấu của Hoàng Tùng, ngay từ khi anh còn rất nhỏ. Lên 6 tuổi, Hoàng Tùng đã tham gia lớp kịch thiếu nhi và trong suốt hành trình 12 năm đó (từ 6-18 tuổi), anh được tiếp cận, học hỏi và đắm say với nghệ thuật sân khấu; là diễn viên thiếu nhi chủ chốt trong các chương trình sân khấu của Đài truyền hình Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ Việt Nam và một số bộ phim truyền hình ngày đó.

Năm 18 tuổi, Hoàng Tùng thi đậu đại học và trở thành sinh viên Lớp Diễn viên Sân khấu – Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Năm 2005 (22 tuổi), anh tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội; được Đạo diễn, NSND Lan Hương giới thiệu, nhận về công tác và tham gia sáng lập Đoàn kịch Thử nghiệm – Nhà hát Tuổi Trẻ Việt Nam. Năm 2008, anh được nhận Quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng Đoàn kịch Thử nghiệm – Nhà hát Tuổi Trẻ Việt Nam. Năm 2012, anh tốt nghiệp Lớp Đạo diễn Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Năm 2021, đạt học vị Thạc sĩ Nghệ thuật Sân khấu. Hiện tại, anh đang theo học nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

Với tình yêu đặc biệt dành cho mái Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội thân yêu, năm 2019 Hoàng Tùng chuyển công tác từ Đoàn kịch Thử nghiệm – Nhà hát Tuổi Trẻ Việt Nam về Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Từ đó đến nay, anh gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp “trồng người” của Nhà trường. Hoàng Tùng luôn đa năng trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học; không ngừng sáng tạo nghệ thuật, cống hiến và phục vụ lợi ích nhân văn, nhân ái cho cộng đồng. Anh là cộng tác viên thường xuyên với vai trò viết kịch bản, đạo diễn, MC cho các chương trình thiếu nhi của VTV6, giảng dạy các lớp kịch, MC cho thanh thiếu niên một số đơn vị như Trường Cao đẳng truyền hình Hà Nội và các câu lạc bộ nghệ thuật; làm MC trong các chương trình thiếu nhi “Vườn cổ tích”, “Trò chuyện cùng bé” của chuyên mục “Bông hoa nhỏ” của Đài truyền hình Việt Nam…

Giảng viên, Đạo diễn Hoàng Tùng

Hoàng Tùng bắt đầu làm Đạo diễn dàn dựng các vở Nhạc kịch cho thiếu nhi từ năm 2017, khi tình cờ được một Trung tâm Anh Ngữ mời dựng vở Nhạc kịch cho thiếu nhi, bằng tiếng Anh. Sau khi nhận lời mời dựng vở, Hoàng Tùng tự mày mò, tìm hiểu, xem video các vở nhạc kịch của thế giới: châu Á, Âu, Mỹ… Với vai trò vừa là Tác giả, vừa là Đạo diễn; vở Nhạc kịch thiếu nhi đầu tiên do Hoàng Tùng sáng tác và đạo diễn có tên là “Matilda”. Sau thành công của vở Nhạc kịch đầu tiên, dự án Nhạc kịch dành cho thiếu nhi đã được kéo dài suốt 7 năm (2017 – 2024, với 7 vở diễn). Các vở Nhạc kịch được diễn cho các khán giả nhí và cả khán giả người lớn; được Trung tâm thuê địa điểm bán vé và biểu diễn tại Nhà hát Tuổi Trẻ Việt Nam.

Những kinh nghiệm trong quá trình học tập, công tác, hoạt động tại Nhà hát Tuổi Trẻ Việt Nam (môi trường nghệ thuật phong phú với 4 Đoàn: Đoàn kịch 1, Đoàn Kịch 2, Đoàn Ca múa nhạc và Đoàn kịch Thử nghiệm) đã giúp Hoàng Tùng được tiếp xúc đa dạng vưới các thể loại sân khấu, từ đó khiến anh tự tin, vững vàng hơn trong hoạt động nghề và trong sự nghiệp giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Quá trình sáng tạo nghệ thuật đó cũng dần hình thành nên phong cách sáng tạo nghệ thuật riêng, rất trẻ trung, sinh động và lôi cuốn của Giảng viên, Đạo diễn trẻ Hoàng Tùng.

Trong quá trình công tác, Hoàng Trung đã đạt một số thành tích tiêu biểu như: Huy chương Vàng diễn viên trong Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ công an Nhân dân” lần thứ 2 (2010); Huy chương Bạc diễn viên trong “Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ” tháng 9/2013; Huy chương vàng cá nhân Liên hoan Sân khấu thủ đô 2020…

  1. Nhạc kịchlà loại hình sân khấu có nguồn gốc từ châu Âu. Trong đó, kết hợp ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa… Cội nguồn, cơ duyên nào đưa anh đến với ý tưởng dàn dựng vở Nhạc kịch “Trời xanh nơi đáy vực”?

Trong quá trình công tác và hoạt động nghệ thuật, Hoàng Tùng may mắn được ra nước ngoài nhiều lần; được tiếp cận, biểu diễn, giao lưu, học hỏi rất nhiều từ sân khấu các nước trên thế giới như: Thái Lan (Liên hoan Sân khấu Băng Cốc năm 2006), Hồng Kong (Hội nghị Sân khấu Giáo dục năm 2007); Tây Ban Nha (biểu diễn vở “Kiều” cùng các nghệ sĩ Tây Ban Nha năm 2007). Đặc biệt, Hoàng Tùng có cơ duyên được đến Nhật Bản nhiều lần, được tham gia các sự kiện sân khấu với các nghệ sĩ Nhật Bản và các nghệ sĩ quốc tế. Năm 2014, anh tham gia khóa học trung hạn, dài 4 tháng tại Nhật Bản; được tham quan, trải nghiệm, tiếp xúc với các Nhà hát ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản; được xem các Liên hoan Sân khấu tổ chức tại Nhật như: Liên hoan Sân khấu dành cho khán giả trẻ ở Okinawa, Liên hoan Sân khấu Tokyo… Năm 2016, anh tham gia diễn xuất trong vở “Quý ông bé nhỏ”, Liên hoan Sân khấu Okinawa, biểu diễn cùng các Nhật Bản và quốc tế; Năm 2017, tham gia diễn xuất trong vở “Không tín hiệu” cùng các nghệ sĩ Nhật Bản. Đồng thời, cũng trong năm 2017, anh tham gia diễn xuất vở “Kịch câm trở lại”, Liên hoan Kịch câm quốc tế Incheon, Hàn Quốc; Năm 2020, tham gia trong vai trò Đạo diễn và diễn viên trong vở “Tiếng giày đêm”, của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh tham dự Liên hoan Sân khấu song ngữ Incheon, Hàn Quốc…

Tuy nhiên, thể loại kịch hình thể – kịch câm vẫn luôn là thế mạnh của Hoàng Tùng, anh từng được các đồng nghiệp mệnh danh là “Nghệ sĩ kịch câm số 1 Việt Nam”. Bởi lâu nay, dù ở vị trí công tác nào, anh vẫn luôn kiên trì theo đuổi, tìm tòi, sáng tạo và đưa bộ môn nghệ thuật này đặc biệt này đến gần hơn với các học trò và công chúng khán giả. Năm 2018, Trung tâm “Hanoi Arts for Youth” được thành lập, là nơi sáng tạo Nhạc kịch tiếng Anh cho trẻ em. Từ đó đến nay, Trung tâm vẫn duy trì hoạt động, trở thành một sân chơi đặc biệt ý nghĩa dành cho các em thiếu nhi đam mê nghệ thuật… Tất cả đã trở thành cội nguồn và cơ duyên đưa Hoàng Tùng đến với ý tưởng dàn dựng vở Nhạc kịch “Trời xanh nơi đáy vực”. Ở vở diễn này, các nghệ sĩ, diễn viên có cơ hội được thể hiện nhiều động tác hình thể đẹp mắt, mang tính kỹ thuật cao; phong cách biểu diễn trẻ trung, tươi mới. Bên cạnh nội dung chính xuyên suốt về hình tượng người chiến sỹ công an phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; vở còn được lồng ghép vào một số lớp diễn với những câu đối thoại, hành động mang tính thời sự, nóng bỏng, hót trend như: mạng xã hội Facebook, TikTok, Zalo, Livestream; quảng cáo thực phẩm chức năng, kẹo rau củ “1 viên kẹo bằng đĩa rau”… Đan xen vào đó là những lớp diễn thể hiện tình yêu đầy chất thơ, lãng mạn; kết hợp ánh sáng, âm nhạc, ca từ… đã đưa khán giả đến với nhiều cung bậc của cảm xúc khác nhau: khi hài hước dí dỏm, gây cười; lúc lại ghẹn ngào xúc động; rồi có khi lại hồi hộp, sợ hãi… bởi nhân vật chính diện đang phải đối mặt với những hiểm nguy, lo sợ; khoảng cách mỏng manh giữa sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc… “Trời xanh nơi đáy vực” đã tạo ra một không gian nghệ thuật đặc biệt, tại đó khán giả được đắm say cùng các nhân vật kịch và không gian, thời gian… vô tận của sân khấu.

Một cảnh trong vở Nhạc kịch “Trời xanh nơi đáy vực”.
  1. Khi dựng vở Nhạc kịch “Trời xanh nơi đáy vực”, anh có hài lòng với sự hợp tác của ê kíp sáng tạo và các sinh viên của mình không?

Có thể nói với các em sinh viên khi được tham gia vở diễn là một cơ hội rất tốt trong quá trình học tập tại Trường. Nhận thức được điều đó nên các em tham gia hết mình, dù bận nhiều công việc học tập, thi cử… nhưng các bạn đều rất nỗ lực; thậm chí các bạn còn chủ động đề xuất thầy cho tập ngoài giờ, bất kể ban đêm cũng như ban ngày. Mặc dù, vẫn có những khó khăn nhất định do các em còn đang là sinh viên, còn có những thiếu hụt… Nhưng bù lại, năng lượng tích cực, tinh thần, sức trẻ và nhiệt huyết sáng tạo của các em luôn tràn đầy. Để có một vở diễn tròn trịa như vậy là công sức, trí tuệ và sự kết hợp hoàn hảo của ê kíp sáng tạo. Tất cả các bộ phận đều rất tận tâm; từ âm nhạc; âm thanh, ánh sáng; biên đạo múa; mỹ thuật sân khấu; hóa, phục trang… đến các phòng, đơn vị trong Trường đều nhiệt tình ủng hộ. Đặc biệt là sự chỉ đạo, cố vấn của Ban Giám hiệu Nhà trường về chuyên môn nghệ thuật, về công tác tổ chức… đều rất tận tâm!

  1. Nguồn cảm hứng và thông điệp được truyền tải thông qua vở Nhạc kịch “Trời xanh nơi đáy vực”:

          Cảm hứng về sân khấu nói chung lúc nào cũng sẵn có trong Hoàng Tùng, nhưng cảm hứng về đề tài “Hình tượng người chiến sĩ công an Nhân dân khiến anh tư duy và nảy ra ý tưởng: Công an khi đấu tranh với tội phạm thường có hai lực lượng: “Công an” và “tội phạm”, điều này ắt nảy sinh ra mối xung đột giữa “tốt” và “xấu”, “thiện” và “ác”… Ở vở diễn “Trời xanh nơi đáy vực”, Hoàng Tùng không đi sâu vào khai thác mâu thuẫn, xung đột giữa giữa “cái tốt” và “cái xấu”… Anh quan niệm, Công an cũng là người và anh muốn khai thác những mâu thuẫn, xung đột, đấu tranh “nội tại” của mỗi chiến sĩ công an với chính bản thân mình; vượt qua những ký ức và “điểm yếu” của chính mình để tiếp tục cống hiến, dâng lên cuộc đời những điều lý tưởng, tốt đẹp. Họ là công an nhưng nếu họ không cứu được chính mình, không vượt qua chính mình thì không thể cứu được người khác. Đây là một vở diễn về công an nhưng lại không có tội phạm…

Một cảnh trong vở Nhạc kịch “Trời xanh nơi đáy vực”.
  1. Mong muốn và tâm huyết của Giảng viên, Đạo diễn Hoàng Tùng đối với sự nghiệp giảng dạy chuyên ngành Nhạc kịch tại Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội:

Chương trình đào tạo (CTĐT) Diễn viên Nhạc kịch là một chuyên ngành mới được Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội chính thức tuyển sinh và đi vào đào tạo từ năm 2024. Đặc biệt, CTĐT có thời gian học được giảm tải còn 3,5 năm, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại hôm nay cần nhanh gọn. Khi học tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, các sinh viên của chuyên ngành Diễn viên Nhạc kịch sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về: ca hát, vũ đạo, âm nhạc và diễn xuất… Hiện nay Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đang chuẩn bị tuyển sinh cuyên ngành Nhạc kịch cho kỳ thi tuyển sinh Đại học Chính quy năm 2025, hứa hẹn sự phát triển ngày càng lớn mạnh của chuyên ngành này tại Trường. Đồng thời, cũng trong năm nay, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội sẽ đón Đoàn Chuyên gia Hàn Quốc và các nước khác trên thế giới sang giảng dạy cho các sinh viên chuyên ngành Nhạc kịch, giúp các em có cơ hội được tiếp cận, giao lưu, học tập phương pháp sáng tạo thể loại Nhạc kịch ở đa dạng các quốc gia trên thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật chất lượng ngày càng cao của công chúng khán giả hiẹn nay.

Qua đây, Hoàng Tùng cũng mong muốn các sinh viên của Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội được tham gia đều đặn, thường xuyên tất cả các Liên hoan, Hội thi, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp trong khu vực, toàn quốc và quốc tế. Đồng thời, anh cũng mong các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến ngành, lĩnh vực… tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất những chính sách mở đối với các cơ sở giáo dục nghệ thuật như Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội; để các giảng viên, sinh viên của Nhà trường được tham dự tất cả các Liên hoan, Hội thi, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp trong khu vực, toàn quốc và quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn Giảng viên, Đạo diễn Hoàng Tùng về cuộc nói chuyện đầy ý nghĩa này!

* Một số hình ảnh trong vở Nhạc kịch “Trời xanh nơi đáy vực”:

Bài: Trần Phương Hạnh

Ảnh: GV, Đạo diễn Hoàng Tùng cung cấp./.