Ngày 8/11, hai vở kịch mang tên “Cuộc đời tôi như một người đàn ông” (My life as a man) và “Nghệ thuật ngã” (The noble art of falling) đã diễn ra tại Nhà hát thể nghiệm (Nhà A3 – Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội) với sự tham gia diễn xuất của hai chuyên gia đến từ Na Uy: Giáo sư Lars Vik và Giáo sư Gerd Helen Aniksdal. Tới dự buổi biểu diễn có sự hiện diện của PGS.TS.NSƯT Trần Thanh Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cùng các đồng chí trong Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Đảng bộ, các thầy cô giáo trong trường và đông đảo các bạn sinh viên.
GS Lars Vik và GS Gerd Helen Aniksdal đã đến làm việc tại Việt Nam từ ngày 2/11 để tiến hành giảng dạy cho sinh viên lớp Diễn viên sân khấu K31 – K32 của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Xen kẽ với những buổi lên lớp giảng dạy, hai chuyên gia cũng đã giới thiệu đến các bạn sinh viên dự án về nghệ thuật vị trí đặc biệt “Cảm nhận về không gian” (Sense of place) thông qua một buổi chiếu phim ngắn. Việc hai chuyên gia trực tiếp biểu diễn trên sân khấu để truyền đạt những kiến thức và bài học chân thực nhất cho sinh viên về diễn xuất như nói ở trên là hoạt động kết thúc tuần làm việc của họ tại Việt Nam.
Mở đầu buổi biểu diễn với vở kịch mang tên “Cuộc đời tôi như một người đàn ông”, nữ GS Gerd Helen Aniksdal đã gây ấn tượng với toàn bộ người xem trong khán phòng bởi những tình huống hài hước, những màn hóa trang “chớp nhoáng”, sự biến hóa đa dạng về hành động, lời nói, biểu cảm khuôn mặt trong từng vai diễn (từ một cậu bé 2 tuổi, một chàng ngố người Na Uy cho đến một bác công nhân già đã về hưu). Vở diễn với những câu chuyện ngắn được nối tiếp nhau mang đến một thông điệp ý nghĩa dành cho các bạn sinh viên Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội: Diễn xuất là vô cùng khó, người diễn viên phải tìm cảm hứng cho vai diễn từ trong cuộc sống hàng ngày; phải nhập vai, thâm nhập vào vai diễn đến mức quen thuộc từng động tác, lời nói. Nghệ thuật biểu diễn không chỉ mang đến tiếng cười mà còn phải mang đến cho người xem những suy ngẫm về nghề nghiệp và cuộc sống.
Trong khi đó, vở kịch “Nghệ thuật ngã” của GS Lars Vik lại mang đến nhiều tiếng cười cho người xem. Sự phối hợp diễn xuất của các bạn sinh viên trong khán phòng đã làm nên sự sôi động và hấp dẫn cho vở diễn. Vở kịch kết thúc với thông điệp: Tiếng cười là con đường ngắn nhất để kết nối con người và sự tự nhiên chính là yếu tố làm nên thành công khi diễn xuất trên sân khấu.
P.T.N.A