Ma tuý đã và đang là hiểm hoạ của các quốc gia, dân tộc; là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tệ nạn xã hội, tội phạm và lây nhiễm HIV/AIDS. Hậu quả, tác hại do tệ nạn ma tuý gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế – xã hội và an ninh trật tự của các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tệ nạn ma tuý là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ma túy tồn tại ở nhiều dạng như: Nước, bột, hồng phiến, bạch phiến, thuốc… và được sử dụng bằng nhiều hình thức hút, chích, hít… Nó được coi là tệ nạn đáng sợ nhất đối với con người không kể tuổi tác, ngành nghề và khả năng gây nghiện nhanh chóng. Hơn thế nữa, ma túy còn là nguyên nhân của những tệ nạn xã hội khác.
Ma túy gây hại trực tiếp đến người nghiện, nó gây ra các bệnh khôn lường cho cơ thể con người. Người sử dụng ma túy thông qua các hình thức tiêm chích Morphine, Hêrôin, dung dịch thuốc phiện, uống, ngậm các loại ma túy tổng hợp, hút thuốc phiện, cần sa, hít Hêrôin…sẽ gây tổn hại nhiều chức năng của cơ thể như hệ tiêu hoá, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, các bệnh về da, làm suy giảm chức năng thải độc, dẫn đến tình trạng suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động. Nghiện ma túy dẫn đến tình trạng nhiễm độc mạn tính, người gầy gò, xanh xao, mắt trắng, môi thâm, nước da tái xám, cơ thể gầy gò do suy kiệt hoặc phù nề do thiếu dinh dưỡng, rối loạn nhịp sinh học, sức khoẻ giảm sút rõ rệt, nghiệm ma túy cũng là con đường ngắn nhất dẫn đến HIV/AIDS. Đã có nhiều trường hợp sử dụng ma túy quá liều gây tử vong đột ngột.
Đáng báo động, hiện nay đối tượng sử dụng ma túy tập trung ở độ tuổi thanh niên, thậm chí đã bắt đầu trẻ hóa đến tuổi vị thành niên và học sinh. Những kẻ buôn bán ma túy thường dụ dỗ các đối tượng học sinh, sinh viên bằng cách cho hút không mất tiền, khi đã nghiện thì các em sẽ trở thành công cụ để chúng kiếm tiền, đưa vào con đường: trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy.
Ma túy không những gây hại cho người dùng nó mà còn cho cả gia đình của họ, khiến họ mất dần khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình. Những gia đình có người nghiện ma túy luôn buồn khổ, xấu hổ với những người xung quanh. Công việc làm ăn bị giảm sút do không được tín nhiệm. Nền kinh tế cũng theo đó mà bị ảnh hưởng, và từ đó gây tốn kém ngân sách Nhà nước, thay vì để lo phúc lợi công cộng thì phải xây dựng cơ sở chữa bệnh, tổ chức lực lượng phòng, chống và giải quyết các hậu quả tác hại do tệ nạn ma túy gây ra.
Năm 1987, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 26 tháng 6 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng chống ma túy nhằm thể hiện quyết tâm tăng cường hợp tác và cam kết phòng, chống ma túy giữa các nước. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn tháng 6 hằng năm là Tháng hành động phòng, chống ma túy và ngày 26 tháng 6 hàng năm là Ngày toàn dân phòng, chống ma túy.
Sau hơn 20 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng chính phủ, Tháng hành động phòng, chống ma tuý và Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân, thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ trong việc chung tay góp phần ngăn chặn và đẩy lùi hiểm họa ma tuý.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, nhận thức được tác hại của ma túy gây ra, hàng năm trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội luôn quan tâm, sát sao trong công tác khám sức khỏe và xét nghiệm ma túy cho sinh viên trước khi nhập học. Bên cạnh đó, Phòng Công tác học sinh sinh viên đã phối hợp với các đơn vị trong toàn trường tổ chức tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, giữa hóa, cuối khóa để giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành nội quy, quy định của nhà trường và tránh xa các tệ nạn xã hội trong đó có tệ nạn ma túy. Khoa Kiến thức cơ bản cũng chỉ đạo các giảng viên trong khoa kết hợp lồng ghép vào bài giảng để tuyên truyền, giáo dục cho sinh viên nhận thức tác hại do ma túy gây ra. Trong các lớp học, các hành lang có các khẩu hiệu tuyên truyền: Ma túy không phải là bạn quý …điều đáng mừng là tính đến thời điểm hiện tại nhà trường chưa phát hiện trường hợp sinh viên nào dương tính với ma túy.
Thực hiện công văn số 1908/ BVHTTDL – BCĐDS của Ban chỉ đạo dân số, AIDS và các vấn đề xã hội về việc Triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2023, Ban Giám hiệu trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh đã chỉ đạo Phòng Công tác học sinh sinh viên phối hợp với các đơn vị tuyên truyền, phát động Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2023 với khẩu hiệu: Tham gia phòng, chống ma túy là bảo vệ chính bạn, gia đình và xã hội để góp phần tuyên truyền đến cán bộ, giảng viên và người học trong toàn trường.
Mục tiêu Tháng hành động là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tạo nên một chiến dịch truyền thông phòng, chống ma túy trên phạm vi toàn trường, kết hợp giữa nhà trường và chính quyền địa phương về phòng, chống ma túy, tăng cường mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường – xã hội và các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng, chống ma túy.
Để tuyên truyền hiệu quả Tháng hành động phòng chống ma túy nói riêng và góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy thường xuyên trong cộng đồng. Là một trường với thế mạnh đào tạo các chuyên ngành sân khấu, điện ảnh, truyền hình, mỹ thuật, nhiếp ảnh….Giảng viên và sinh viên hãy tích cực tham gia vào việc phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tệ nạn ma tuý bằng các hành động thiết thực và thông qua các tác phẩm nghệ thuật của mình.
Tuyên truyền thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma tuý và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý, mại dâm, HIV/ AIDS.
Phát huy vai trò của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong tuyền truyền sinh viên hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/ AIDS.
Tiếp tục lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/ AIDS trong các hoạt động của nhà trường đến cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Việc triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy phải được tiến hành đồng bộ, bảo đảm hiệu quả thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tế./.
Khánh Ly – CTHSSV