THỰC HIỆN VIỆC ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC VỚI MỤC TIÊU NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, LẤY NGƯỜI HỌC LÀM TRUNG TÂM QUA BUỔI DỰ GIỜ MÔN LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tập trung đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu phát triển mới của kinh tế – xã hội, của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trong bối cảnh đổi mới giáo dục, hướng đến mục tiêu lấy người học làm trung tâm, nâng cao chất lượng đào tạo, v.v.. Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã tiến hành đồng bộ việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo; tập huấn về đo lường, đánh giá chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, hướng dẫn xây dựng các bài kiểm tra đánh giá, hướng dẫn rà soát đề cương chi tiết học phần, đặc biệt là chuẩn đầu ra học phần và các phương pháp kiểm tra, đánh giá, phương pháp giảng dạy học tập. Trên thực tế, việc đổi mới phương pháp giảng dạy giáo dục đại học đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện ở tất cả các khoa, các môn học, từ khối kiến thức giáo dục đại cương cho đến khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp.

Lĩnh hội tinh thần đó, giảng viên của khoa Kiến thức cơ bản thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy, trau dồi chuyên môn, tìm hiểu những kiến thức về lĩnh vực sân khấu và điện ảnh để bài giảng những môn kiến thức giáo dục đại cương, cơ sở ngành chất lượng hơn, đến gần hơn, liên hệ thực tiễn được nhiều hơn với chuyên ngành học của sinh viên nghệ thuật. Với những nỗ lực của cả thầy và trò, trong những năm học qua, một số môn học của khoa đã làm thay đổi tâm lý của người học từ bị động phải học những môn  kiến thức giáo dục đại cương đến chủ động – muốn học những môn học này.

Thực hiện Kế hoạch Dự giờ giảng học kỳ I năm học 2024 – 2025, Khoa Kiến thức cơ bản đã phân công các giảng viên dự giờ môn học Lịch sử triết học phương Đông của giảng viên: Tiến sĩ Lại Thị Thanh Bình. Qua công tác giám sát của Bộ môn về quy trình giảng dạy của giảng viên và thực tế buổi dự giờ trên lớp môn học này cho thấy:

Trên cơ sở những đặc điểm về kinh tế – chính trị, văn hóa, xã hội của các nước phương Đông, môn học làm sáng tỏ quá trình phát sinh, hình thành và phát triển của hai cái nôi triết học lớn nhất phương Đông là Trung Quốc và Ấn Độ. Qua 45 tiết học, sinh viên đã lĩnh hội được tư duy lý luận triết học phương Đông, góp phần ứng dụng vào việc phân tích và sáng tác các tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Đồng thời, quá trình học môn học, giảng viên đã yêu cầu sinh viên ở các chuyên ngành thuộc hai lĩnh vực Sân khấu – Điện ảnh đưa chuyên môn của mình gắn kết với tri thức triết học. Điều đó cho thấy sự tác động qua lại, mối liên hệ giữa triết học với nghệ thuật cả ở góc độ phương pháp và kiến thức, đáp ứng yêu cầu về mục tiêu và chuẩn đầu ra môn học cơ sở ngành.

Với thời lượng của một môn học 45 tiết, trong đó có 7 buổi giảng viên  hướng dẫn về chuyên môn (mỗi buổi 05 tiết học), 05 tiết học được dành cho semina, thảo luận, thuyết trình. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, các nhóm thuyết trình đã tập hợp, lựa chọn thành viên rất đa dạng: trong cùng lớp; khác lớp; khác chuyên ngành thành một ekip sáng tạo, lên ý tưởng, tham khảo tài liệu từ nhiều nguồn chính thống như giáo trình, sách tham thảo, internet, v.v.. với tâm lý hào hứng, say mê, nghiêm túc, có sự đầu tư về chuyên môn, thời gian, sự phân công nhiệm vụ cụ thể, vừa làm vừa trao đổi với giảng viên và sinh viên của nhóm khác, v.v.. Kết hợp giữa kế thừa và sáng tạo, các nhóm sinh viên đã tạo nên những sản phẩm học thuật mang dấu ấn của sinh viên “SKĐA”. Ví dụ: Nhóm thuyết trình lớp Quay phim điện ảnh; Quay phim Truyền hình; Nhiếp ảnh Truyền thông Đa phương tiện với nền kiến thức về Điện ảnh, Truyền hình, Nhiếp ảnh cùng với những kiến thức về triết học Ấn Độ đã được giảng viên hướng dẫn, các em đã thiết kế bài thuyết trình về điện ảnh Bollywood; Parallel cinema, chỉ ra được những đặc điểm về văn hoá tinh thần, nhân sinh quan triết học Ấn Độ trong một số tác phẩm điện ảnh. Các lớp Đạo diễn Điện ảnh, Biên tập Truyền hình, Nghệ thuật hoá trang đã vận dụng khả năng thuyết trình, phân tích đã lựa chọn và thuyết trình về chủ đề ẩm thực, văn hoá, trang phục Ấn Độ để nhấn mạnh đến cơ sở, tiền đề cho sự ra đời của triết học Ấn Độ, v.v..

Toàn bộ những sản phẩm của sinh viên được giảng viên thẩm định, chấm điểm và lấy làm điểm bài điều kiện. Thang điểm của giảng viên chấm là từ cao xuống thấp tương ứng với chất lượng của sản phẩm, với nhiệm vụ của mỗi sinh viên trong một sản phẩm. Những sản phẩm xuất sắc của các nhóm được lựa chọn cho buổi thuyết trình.

Một số hình ảnh trong buổi thuyết trình của sinh viên thuộc môn học Lịch sử triết học phương Đông:

Chủ đề thuyết trình của nhóm lớp Nhiếp ảnh Nghệ thuật K41
Nhóm lớp Quay phim Điện ảnh K41thuyết trình chủ đề: “Parallel cinema”
Sinh viên các lớp thảo luận về một nội dung thuyết trình

Bạn Hoàng Chu Sa đại diện nhóm thuyết trình
Không khí học tập trong buổi thuyết trình
Giảng viên: TS. Lại Thị Thanh Bình nhận xét, kết luận tại buổi thuyết trình

Buổi thuyết trình diễn ra trong hơn bốn tiếng với đại diện 06 nhóm tham gia thuyết trình, thảo luận dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Tinh thần chung là đảm bảo tính học thuật, phương pháp và liên hệ chuyên ngành. Nhóm nào cũng muốn được thuyết trình trước lớp nhưng thời gian có hạn, có những sản phẩm được đánh giá xuất sắc, có sản phẩm đạt yêu cầu, một số sản phẩm cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện hơn.

Lấy người học làm trung tâm, nâng cao chất lượng đào tạo sẽ là mục tiêu để cả thầy và trò Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội tiếp tục phấn đấu trên hành trình dạy và học, trong bối cảnh đổi mới toàn diện nền giáo dục.

                                                                                Bài: Trịnh Thị Thuỷ

                                                                                                 Ảnh: Quách Quốc An

(Một số hình ảnh sử dụng trong bài thuyết trình của sinh viên từ nguồn internet, mang tính minh hoạ, phục vụ mục đích học tập).