Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngày 05/10/2017, Khoa Sau đại học – Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Trường cho Nghiên cứu sinh Lê Mạnh Hùng với đề tài “Tiếng cười trên sân khấu Kịch nói Việt Nam trong quan hệ với tiếng cười của sân khấu truyền thống (Chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử sân khấu) do PGS.TS.NGƯT Nguyễn Đình Thi hướng dẫn.

Tiếng cười trên sân khấu Kịch nói Việt Nam trong quan hệ với tiếng cười của sân khấu truyền thống là luận án nghiên cứu có tính hệ thống, với những phát hiện về sự ảnh hưởng của sân khấu truyền thống Việt Nam vào thể loại kịch du nhập từ phương Tây, trong đó quan hệ ảnh hưởng từ tiếng cười của sân khấu truyền thống sang kịch nói là tính mới của đề tài. Sự tiếp thu tiếng cười từ sân khấu truyền thống bắt nguồn từ tư duy sáng tạo, trong đó tư duy hài hước hóa giữ vai trò chủ đạo.

Luận án đã chỉ ra những biện pháp mỹ học, những phương thức biểu hiện được vận dụng vào kịch nói, cụ thể:

– Tư duy hài hước hóa đã làm biến đổi tính thống nhất của thể loại chính kịch. Cấu trúc đan xen, song hành đã hình thành giữa tính nghiêm túc, tính bi thương với tiếng cười; giữa tính cách nhân vật chính diện với tính cách nhân vật hài; giữa ngôn ngữ đối thoại nghiêm túc với ngôn ngữ gây cười…Tư duy hài hước hóa đã ảnh hưởng đến mọi phương diện của nghệ thuật biên kịch và nó đã tạo nên một hình thức thể loại chính kịch mang sắc thái riêng của Kịch nói Việt Nam.

– Kịch nói Việt Nam đã ảnh hưởng từ sân khấu truyền thống trong chuyển hóa mô hình, tính cách nhân vật hài, trong tạo lập tình huống hài và trong sử dụng ngôn ngữ gây cười.

– Chính kịch có tiếng cười không phá vỡ nguyên tắc cơ bản của thể loại mà trở thành xu hướng sáng tác và biểu diễn được nhiều người ưa thích.

– Tư duy hài hước hóa đã ảnh hưởng vào lĩnh vực dàn dựng, biểu diễn, mở ra cơ hội làm thay đổi phương thức phản ánh. Những thủ pháp sắp trò nhằm mục đích gây cười của sân khấu truyền thống đã mở đường cho đạo diễn hài hóa các tình huống, hành động và tính cách nhân vật. Lối diễn khoa trương, cường điệu, pha trò, tán, đùa cũng được vận dụng đến mức tối đa nhằm mục đích gây cười.

Kết quả nghiên cứu đã giải quyết một số vấn đề về lý luận và thực tiễn của tiếng cười trên sân khấu Kịch nói Việt Nam, khi Kịch nói tiếp nhận ảnh hưởng tiếng cười từ sân khấu truyền thống qua tư duy hài hước hóa.

Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của ba vị phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS. Lê Mạnh Hùng đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu tán thành công nhận học vị Tiến sĩ Nghệ thuật cho NCS. Lê Mạnh Hùng.

Một số hình ảnh trong buổi bảo vệ:

h032

h002

h017

h018

h033

h012

h004

Bài và ảnh: Trần Quang Minh