Thạc sĩ Đào Thị Thuỳ – giảng viên Khoa Thiết kế mỹ thuật, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội – tấm gương giảng viên trẻ phát huy vai trò tiên phong trong việc nâng tầm nghệ thuật hoá trang

Trong lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt trọng tâm vào hai nhóm sản phẩm được ưu tiên là: Biểu diễn nghệ thuật sử dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại; truyền dạy nghệ thuật truyền thống và đương đại bằng công nghệ số. Nhưng mỗi người làm nghệ thuật cần phải hiểu rằng, cách mạng công nghiệp phải trở thành nội dung của tác phẩm và là cảm hứng sáng tác của mỗi người nghệ sĩ, không có nội dung và cảm hứng thì sân khấu dù có tràn đầy hình thức từ cách mạng 4.0 cũng trở nên vô nghĩa. Có một điều chắc chắn rằng chúng ta sẽ không thể sánh vai với các cường quốc năm châu nếu không học tập từ họ, không tiếp biến văn hoá và không thực hiện ứng dụng công nghệ của thế giới. Hướng đầu tư hiệu quả để tiếp cận được các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 chính là đầu tư con người, vì những ngành đặc thù mang tính nghệ thuật biểu diễn vốn luôn đòi hỏi sự khác biệt, độc đáo mang tính sáng tạo cá nhân.

Đón đầu xu hướng của thế giới và tiếp cận sâu với nhu cầu nguồn nhân lực làm hoá trang nghệ thuật trong nghệ thuật sân khấu – điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã cử giảng viên đi học tập, nghiên cứu về chuyên ngành nghệ thuật hoá trang ở nước ngoài và xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực này để mở chuyên ngành đào tạo nghệ thuật hoá trang trong mã ngành đào tạo Thiết kế mỹ thuật sân khấu – điện ảnh.

Là một trong những giảng viên trẻ được Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cử đi đào tạo về lĩnh vực hoá trang tại Trung Quốc, giảng viên Đào Thị Thuỳ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khoá học. Trở về Trường, cô đã mạnh dạn tham gia cùng các giảng viên trong Khoa/ Trường rà soát và điều chỉnh chương trình đào tạo chuyên ngành nghệ thuật hoá trang, tham gia công tác tuyển sinh và trực tiếp đứng lớp giảng dạy cũng như  hướng dẫn tốt nghiệp cho khoá đầu tiên (2018-2022) của chuyên ngành này tại Nhà trường.

Không dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức trên giảng đường, giảng viên Đào Thị Thuỳ còn mạnh dạn phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức cuộc thi tìm kiếm tài năng hóa trang, make-up toàn quốc năm 2023 (VIET NAM VIRTUAL FACE 2023). Đây là một cuộc thi tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực hóa trang, đồng thời góp phần thu hút, thúc đẩy sự phát triển của những người làm về nghệ thuật hóa trang, cũng như các bạn trẻ đam mê nghệ thuật hóa trang trên toàn quốc.

Theo giảng viên Đào Thị Thuỳ chia sẻ: “Các hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay đang phát triển mạnh mẽ, đi kèm với đó là nhu cầu rất lớn về số lượng nghệ sĩ hóa trang chất lượng cao của các ngành nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh,…. Chính vì lẽ đó, cuộc thi ra đời nhằm chuẩn hóa, nâng tầm các nhà hóa trang thành một người nghệ sĩ thực thụ, được vinh danh và có một vị trí nhất định trong các tác phẩm nghệ thuật”.

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam tổ chức một cuộc thi với chủ đề về nghệ thuật hoá trang, cuộc thi dành cho sự sáng tạo không giới hạn của những nghệ sĩ hoá trang make up trên toàn cả nước. Với hàng trăm bài dự thi gửi về ban giám khảo, ban tổ chức đã lựa chọn ra 60 bài thi xuất sắc nhất cho 3 hạng mục để bước vào đêm chung kết. Cuộc thi cũng được quan tâm rất nhiều của khán giả vì với nội dung các hạng mục thi phong phú, các tác phẩm thi mang nhiều chủ đề. Đặc biệt các chủ đề truyền thống đã được các bạn thiết kế tạo hình những nhân vật như Long Phụng tứ linh hay  LânLạc hồng Huyết Ngải được Ban giám khảo nhận xét rất đặc sắc và đạt kết cấu yêu cầu cao trong tạo hình nhân vật.  Đêm chung kết cuộc thi được tổ chức với sân khấu hiện đại, nơi đó không chỉ là sàn diễn các tác phẩm của thí sinh dự thi mà lần đầu tiên những người cầm cọ, những người nghệ sĩ sáng tạo phía sau cánh gà được lên bục vinh danh và chia sẻ về các tác phẩm của mình. Giảng viên Đào Thị Thùy chia sẻ về ý nghĩa của cuộc thi Việt Nam Vituarl face 2023: “Điều đó minh chứng cho chúng ta thấy dù công việc của chúng ta – những nghệ sĩ hoá trang nhỏ bé hay to lớn thì đều có một vai trò, vị trí không thể thiếu để cấu thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Và ở đây các nghệ sĩ trẻ đã được “tắm đã”  với sự thăng hoa sáng tạo cá tính riêng của mình thông qua các tác phẩm mà từ trước tới nay thường bị hạn chế do nhiều yếu tố khách quan. Với công nghệ sử dụng hoá chất máy móc và các dụng cụ tinh xảo đã có rất nhiều tác phẩm nổi bật đạt đến yêu cầu cao để có thể sử dụng trong ứng dụng làm phim hay sân khấu và các game show truyền hình thực tế”. Đây là một tín hiệu vô cùng đáng mừng cho sân chơi các bạn trẻ tham gia học và lựa chọn ngành nghề này. Cuộc thi là một trải nghiệm cho các bạn muốn hướng ra thế giới trên lĩnh vực hóa trang, nó đồng thời đánh dấu mốc đầu tiên cho việc các bạn trẻ làm hoá trang ở Việt Nam có tài năng và hứa hẹn nhiều nhiều cơ hội dành cho các bạn.

Hóa trang trong nghệ thuật sân khấu điện ảnh là làm nhân vật đẹp lên hoặc xấu đi, hoặc biến người này thành người khác theo như ý đồ của đạo diễn. Nếu chỉ nói riêng về nghệ thuật biểu diễn (kịch hát, kịch nói, trình diễn ca nhạc, múa, xiếc, ảo thuật…) thì yếu tố làm nên thành công của nghệ thuật biểu diễn không thể không nói đến nghệ thuật hoá trang. Trong ngành công nghiệp phim ảnh, bất chấp công nghệ và kỹ thuật có thể hỗ trợ phần nào…các kỹ thuật hóa trang truyền thống dường như không bao giờ đủ. Có thể khẳng định nghệ thuật hoá trang là một phần quan trọng làm nên thành công của bộ phim. Nghệ sĩ hóa trang tạo hình phải rất kỳ công khi thực hiện tác phẩm của họ, điều này cho thấy thành công không phụ thuộc vào kiến thức mà vào cách áp dụng kiến thức ứng dụng được. Công việc của chuyên viên hóa trang sử dụng những đặc thù của nghệ thuật sân khấu kịch và điện ảnh, họ thực hiện công việc của mình trong mối liên hệ chặt chẽ với những kỹ thuật khác của lĩnh vực này, ví dụ như kỹ thuật ánh sáng. Công việc của một chuyên viên hóa trang thường không giới hạn trong mỗi việc hóa trang. Ví dụ, ngoài công việc chính của mình, họ còn có thể chế tạo (may) râu, ria mép, tóc giả và các sản phẩm tóc khác.

Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, thiết kế mỹ thuật và truyền hình, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam và thực hiện thành công các mục tiêu về hội nhập quốc tế. Hiện nay, trong công tác đào tạo của Trường, đào tạo đội ngũ làm nghệ thuật hoá trang có đủ tri thức và kỹ năng thích ứng với thời đại mới trở thành một mục tiêu quan trọng của Trường.

Thạc sĩ, Giảng viên Đào Thị Thuỳ với kiến thức không ngừng được bồi đắp mỗi ngày bởi sự chăm chỉ và sáng tạo trong công tác chuyên môn, cô đã trở thành một giảng viên trẻ năng động, xứng đáng là một người trẻ góp phần tiên phong mang nghệ thuật hoá trang vào nghiên cứu và đào tạo trong xu hướng mới, viết tiếp những trang sử đầy ý nghĩa và tự hào của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

Một số hình ảnh của ThS. Giảng viên Đào Thị Thùy; Ban giám khảo và các thí sinh tham dự cuộc thi Việt Nam Vituarl face 2023:

ThS. Đào Thị Thuỳ tại Lễ trao Giải cuộc thi Việt Nam Vituarl face 2023
Ban Giám khảo và các thí sinh tại Lễ trao Giải cuộc thi Việt Nam Vituarl face 2023
Tác phẩm “Lạc Hồng” của thí sinh Thuỷ Tiên
Tác phẩm “Morgana” của thí sinh Quỳnh Trang
Tác phẩm “Lân” của thí sinh Minh Châu và Thiên Nhi
Tác phẩm “Tứ Linh Long Phụng” của thí sinh Phan Nhi và Ngọc Trâm

Bài: Trịnh Thuý Hương

Ảnh: Nguyễn Kim Thắng