Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội tham gia Liên hoan Sân khấu các Trường Nghệ thuật Sân khấu châu Á lần thứ VII

Theo Quyết định số 1219/QĐ-BVHTTDL ngày 06/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (BVHTTDL), Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội là đại diện của Việt Nam tham dự Liên hoan Sân khấu các Trường Sân khấu châu Á lần thứ VII  của ATEC theo Thư mời của Học viện Hý kịch Trung ương Trung Quốc, thời gian từ ngày 17/5/2024 đến ngày 23/5/2024.

Theo quyết định của các cuộc họp ATEC lần thứ 18, Liên hoan Sân khấu các Trường Sân khấu châu Á lần thứ VII (The 7th Asian Theatre Schools Festival) được tổ chức từ ngày 17 đến ngày 23/5/2024 bởi Học viện Hý kịch Trung ương (Central Academy of Drama – CAD), cơ sở Changping tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Chủ đề của năm nay là: “Sức quyến rũ của Sân khấu truyền thống châu Á”.

Tham dự Liên hoan, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã dàn dựng vở “Như hạt mưa sa”. Đây là vở diễn nghệ thuật chèo được lấy cảm hứng sáng tác từ số phận của những người phụ nữ tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa gắn với những đức tính tốt đẹp của dân tộc như giỏi việc nước, đảm việc nhà, khéo chiều chồng, giỏi chăm sóc con và có đủ tứ đức “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”. Những nhân vật nữ được mô tả trong vở Chèo “Như hạt mưa sa” được dàn dựng với nhiều cung bậc tình cảm và tính cách. Các diễn viên đã khắc họa hình ảnh rõ nét qua các nhân vật nữ trong nghệ thuật Chèo truyền thống bằng nghệ thuật biểu diễn sân khấu qua đó giúp khán giả có thể hiểu được phần nào số phận cũng như những khát khao, mong ước của họ về cuộc sống trong xã hội phong kiến xưa. Vở diễn “Như hạt mưa sa” đã làm nổi bật ba nhân vật nữ kinh điển của nghệ thuật chèo cổ, nhân vật Thị Mầu (vai nữ Lệch – Đào Lệch); Thị Kính (vai nữ Chín – Đào Thương)vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính và nhân vật Xúy Vân (vai nữ Pha – Đào Pha) trong vở chèo Kim Nham. Các nhân vật này thể hiện tiếng nói của người bình dân trên hành trình đi tìm hạnh phúc và công lý. Đó là những nhân vật giữ vai trò quan trọng trong kịch bản chèo và có dấu ấn đậm nét. Ở đó, kết tinh nhiều sáng tạo của trí tuệ dân gian.

Đạo diễn – NSUT.TS. Bùi Như Lai – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội  và êkip vở diễn đã khắc họa thành công nghệ thuật chèo ở các điểm nhấn như tính tự sự trong nghệ thuật chèo (giao lưu tinh tế với khán giả); âm nhạc chèo. Tận dụng tối đa cách tả ý, tả thần để sáng tạo nhân vật. Tập trung cho kỹ thuật múa, hát, âm nhạc, ánh sáng, biểu diễn, sự sáng tạo của diễn viên đã làm cho người xem cảm nhận được rõ xung đột nội tâm nhân vật. Quá khứ với hiện tại, mơ ước tương lai với thực tế phũ phàng, định kiến xã hội với khát vọng hạnh phúc, yếu đuối và mạnh mẽ, hiền lành và dữ dội, cam chịu và nổi loạn… tạo thành những cặp tương phản mâu thuẫn, buộc nhân vật phải hành động để thoát khỏi sự tra tấn giằng xé nội tâm. Vở diễn góp phần bảo tồn nguyên vẹn nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Việt Nam.

Bám sát yêu cầu của chủ đề Liên hoan năm nay, vở diễn “Như hạt mưa sa” đã tạo nên sự độc đáo bởi cách diễn tả, kể lại câu chuyện với lối kể riêng của nghệ thuật chèo là tả ý, tả thần và âm nhạc chèo. Vở diễn góp phần bảo tồn nguyên vẹn nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam trong một lối thể hiện mới.

Thông tin chung về vở diễn:

Vở diễn: Như hạt mưa sa

Chỉ đạo nghệ thuật: PGS.TS.NGND. Nguyễn Đình Thi – Hiệu trưởng Nhà trường.

Đạo diễn: TS.NSUT. Bùi Như Lai- Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

Biên tập âm nhạc: ThS. Phạm Hữu Dực – Trưởng Khoa Kịch hát dân tộc.

 Kịch bản chèo: Đức Minh.

Thiết kế mỹ thuật: ThS. Hoàng Duy Đông – Giảng viên Khoa Thiết kế mỹ thuật.

Và các diễn viên là giảng viên và sinh viên đến từ Khoa Kịch hát dân tộc – Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

Để chuẩn bị cho vở diễn tham dự Liên hoan này, Nhà trường đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó và báo cáo vở diễn trước Hội đồng kiểm duyệt của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vào ngày 21/3/2024. Vở diễn được gửi cho Ban tổ chức xem xét vở kịch (thông qua video) trước khi thực hiện trực tiếp tại Liên hoan.

            Tại cuộc họp thông báo về kết quả tham dự Liên hoan Sân khấu các Trường Sân khấu châu Á lần thứ VII (sáng ngày 27/5/2024), ThS. Phạm Hữu Dực, Trưởng Khoa Kịch hát dân tộc cho biết: “Về giải thưởng, Ban Tổ chức Liên hoan đã công nhận các giải sau:  01 giải “vở diễn ưu tú” thuộc về đoàn chủ nhà Trung Quốc;  02 giải “vở diễn xuất sắc”: dành cho đoàn Việt Nam và Hàn Quốc; 09 giải cá nhân dành cho “Diễn viên xuất sắc nhất”,  trong đó có 2 giải cá nhân của Việt Nam, Mông Cổ, Trung Quốc. Như vậy, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội được nhiều giải nhất (03 giải: 01 giải Vở diễn xuất sắc và 02 giải dành cho diễn viên: Sinh viên Phạm Thu Thuỷ, lớp Diễn viên Chèo K42 và sinh viên Đặng Tuyết Anh, lớp Diễn viên Chèo K41).

 ThS. Trần Thị Hạnh – Giảng viên Khoa Kịch hát dân tộc, một thành viên của đoàn chia sẻ: “Toàn cảnh chung về các trường tham dự, gồm 11 vở diễn đến từ các quốc gia như: Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Mông Cổ, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Họ đều là những Quốc gia có dấu ấn riêng về phong cách biểu diễn, về màu sắc văn hoá dân tộc và mạnh về đội ngũ diễn viên. Có những quốc gia tham dự 2 vở diễn. Việt Nam lại ghi dấu ấn riêng và sâu sắc với Ban Giám khảo và khán giả. Hiệu ứng từ khán giả chính là điểm rất đặc biệt và ấn tượng với vở diễn, khán giả cổ vũ bằng những tràng pháo tay không dứt từ lúc mở vở, họ lặng im với những đoạn diễn cảm xúc của diễn viên và họ cười với những đoạn diễn đầy dí dỏm, đáng yêu khiến khán phòng trở nên vô cùng sinh động đầy cuốn hút, điều này khiến những nghệ sĩ chúng tôi khi biểu diễn trên sân khấu cũng trở nên xúc cảm, đầy hứng khởi và tập trung cao độ hơn. Sau khi hoàn thành vở diễn, các thành viên của đoàn tham gia giao lưu với khán giả về nghệ thuật, về tính mới trong thể hiện sân khấu truyền thống”.

PGS.TS.NGND. Nguyễn Đình Thi – Bí thư, Đảng ủy Nhà trường – Trưởng đoàn đã điểm lại lịch sử tham dự các Liên hoan sân khấu châu Á của Nhà trường và nhấn mạnh: “Đây là hoạt động của Nhà trường nhưng mang tính đại diện của quốc gia, dân tộc. Khi tham dự Liên hoan, về mặt Nhà nước ta phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của Ban tổ chức cũng như các yêu cầu của Chính phủ về vấn đề xuất cảnh. Đây là một hiện tượng ở Liên hoan lần này, Nhà trường được nhiều giải nhất và nhìn lại lịch sử tham dự Liên hoan sân khấu quốc tế từ trước đến nay của Trường, đây cũng là lần đầu tiên Trường đạt nhiều giải như vậy”. Nói về lý do của thành tích của đoàn tham dự Liên hoan lần này, Thầy Hiệu trưởng nhấn mạnh về tinh thần đoàn kết, sự phối hợp của các đơn vị trong toàn Trường ngay từ khi triển khai kế hoạch tham dự Liên hoan và trên hết là sự sáng tạo, nỗ lực hết mình của êkip vở diễn.

Ý nghĩa của Liên hoan Sân khấu các Trường Sân khấu châu Á nhằm tăng cường hơn nữa sự phát triển của giáo dục đại học về sân khấu ở châu Á, là cơ hội quý báu để các nước châu Á trao đổi về giáo dục và thực hành sân khấu; duy trì việc giao lưu và mở ra các chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyên ngành sân khấu biểu diễn, đồng thời là cơ hội cho giảng viên và sinh viên ngành sân khấu trong nước được tiếp xúc, giao lưu các phương pháp dạy và học với các đồng nghiệp đến từ các trường sân khấu quốc tế.

Được biết, Trung tâm Giáo dục Sân khấu châu Á được thành lập vào tháng 10 năm 2005 nhằm trao đổi và phát triển giáo dục sân khấu ở châu Á, là một tổ chức được Bộ Giáo dục Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phê duyệt. Mục tiêu chính của ATEC là thiết lập một mạng lưới hiệu quả các trường và tổ chức sân khấu ở châu Á và tăng cường truyền thông về giáo dục sân khấu giữa các quốc gia và khu vực khác nhau ở châu Á. Nhằm thúc đẩy sự phát triển của giáo dục, sáng tạo và nghiên cứu sân khấu bằng cách cung cấp nền tảng giao tiếp cho tất cả sinh viên, giáo viên và nhà nghiên cứu, những người cống hiến cho việc nghiên cứu và thực hành sân khấu ở châu Á. Hiện nay, ATEC có 17 thành viên, bao gồm Học viện Hý kịch Trung ương (Trung Quốc), Đại học Nghệ thuật Nihon (Nhật Bản), Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc), Học viện Mỹ thuật Nanyang (Xin-ga-po), Học viện Nghệ thuật Sân khấu Quốc gia Trung Quốc (Trung Quốc), Học viện Sân khấu Thượng Hải (Trung Quốc), Học viện Biểu diễn Nghệ thuật Hồng Kông (Trung Quốc), Trường Sân khấu Quốc gia (Ấn Độ), Đại học Chungwoon (Hàn Quốc), Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội (Việt Nam), Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh Toho Gakuen Kịch và Âm nhạc (Nhật Bản), Đại học Văn hóa và Nghệ thuật Bang Mông Cổ (Mông Cổ), và Cao đẳng Mỹ thuật, Đại học New Mexico (Mỹ), Cao đẳng Nghệ thuật LASALLE (Singapore), Đại học Sân khấu – Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) (Việt Nam), Đại học New Era (Malaysia), Đại học Mỹ thuật Tama (Nhật Bản). 5 thành viên liên kết của nó là Viện Nghệ thuật Sân khấu Quốc gia (Úc), Viện Văn hóa và Nghệ thuật Bang Uzbekistan (Uzbekistan), Đại học Seokyeong (Hàn Quốc), và Học viện Nghệ thuật, Văn hóa và Di sản Quốc gia (Malaysia), Đại học del Valle (Colombia). ATEC xuất bản các tài liệu sưu tầm và Kỷ yếu của Sàn giao dịch Giáo dục Sân khấu Châu Á hàng năm, đã trở thành một nền tảng mới cho các tổ chức nghệ thuật có trình độ học vấn cao hơn về nghiên cứu sân khấu từ các quốc gia và khu vực khác nhau ở Châu Á. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc giới thiệu nền giáo dục sân khấu châu Á tới toàn thế giới(*).

(*) Bài viết có tham khảo thông tin tại: http://atecnet.org/en/index.html;

http://atecnet.org/Uploads/Atec/Picture/2023/12/13/u65790dceded55.pdf.

Một số hình ảnh của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội tham dự Liên hoan Sân khấu các Trường Sân khấu châu Á lần thứ VII tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Từ trái sang phải: (1) Trương Văn Tài, du học sinh tại Trung quốc; (2) Phạm Hữu Dực, Trưởng Khoa Kịch hát dân tộc; (3) Bùi Thị Hiền, Phó Trưởng Khoa Kịch hát dân tộc; (4) Trần Thị Hạnh, giảng viên Khoa KHDT; (5) Nguyễn Thị Hà Phương, giảng viên Khoa Sân khấu; (6) Lê Doãn Thái Bình, sinh viên lớp Diễn viên Kịch Điện ảnh K42B; (7) PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi – Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội – Trưởng đoàn; (8) Đặng Tuyết Anh, sinh viên lớp Diễn viên Chèo K41; (9) Phạm Thu Thuỷ, sinh viên lớp Diễn viên Chèo K42; (10) Bùi Hoài Nam, giảng viên Khoa KHDT; (11)Đào Quốc Việt, giảng viên Khoa KHDT; (12) Nguyễn Đắc Thành, sinh viên lớp Nhạc công KHDT K43.

Đoàn Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội chụp ảnh giao lưu với giảng viên của đoàn Trường Đại học Chung – Ang – Hàn Quốc (người đứng thứ hai từ phải sang trái).

Bài: Trịnh Thúy Hương (Phỏng vấn các thành viên tham gia Liên hoan).

Ảnh: Nguyễn Huyền Trang và Nguyễn Thị Hà Phương.